Mi Lan Trì
Tác giả: Lam Liên Hoa
Dịch: Khuyên
Dịch: Khuyên
Chương 1: Gả xa • Mộ Dung Mi
Núi Tây vàng nhạt vắt ngang nền trời thinh không.
Hôm nay là mồng Chín tháng Chín. Tết Trùng Dương.
Tôi ngồi trong ngôi đình đổ nát trong vườn ngắm cảnh núi. Lang cuối cùng cũng tìm tới.
“Tiểu thư,” Em nói, “Lão phu nhân và phu nhân đang chờ trong phòng...”
Giọng con bé có chút lắp bắp, đôi mắt sưng lên. Vài ngày nay đêm nào tôi cũng nghe tiếng nó khóc.
Tôi đứng lên, cầm tay em: “Lang, có một chuyện hôm nay phải nói với em.” Mới nói nửa chừng, đã thấy cơ thể Lang run lên, tôi liền nói tiếp: “Lần này ta phải đi rất xa, cho nên ta đã nói với phu nhân rồi, không mang ai theo cả.”
Lang ngây ra, thở phào một hơi giống như trong đường cùng tìm thấy lối thoát, sau đó khi hiểu ra, khuôn mặt nhỏ nhắn tức thì đỏ bừng: “Tiểu thư, em... em...” Nhưng mà em cũng chỉ có mười bốn tuổi, không biết giải thích thế nào, gấp đến độ khóc thành tiếng: “Tất cả mọi người đều bảo bọn họ là kẻ thù của chúng ta... không thể nào yên lòng được... giống như Ninh tiểu thư, em... em thật sự rất sợ...”
Tôi đang muốn mở miệng, đã có tiếng người nghiến răng mắng: “Lang chết tiệt, ngươi nói lời rác rưởi gì vậy?”
Là Cao ma ma bên người phu nhân.
Tôi giơ tay kéo Lang mặt mày tái nhợt qua một bên. “Cao ma ma, lời con nít có ai xem là thật chứ? Chúng ta quay về thôi.”
Tôi nhìn một lượt người trong phòng, lão phu nhân, phu nhân, di nương, thẩm thẩm, còn có bảy vị tỷ muội của tôi nữa.
Lão phu nhân đưa tay vẫy, tôi đành phải đi qua, quỳ xuống trước mặt bà. Mười hai năm nay, đây là lần đầu tiên bà gần gũi với tôi như vậy. Bà là người bà hiền từ của tất cả các tỷ muội, nhưng không phải là của tôi.
Tôi nghe thấy phía sau có tiếng người khóc, đang muốn nhìn xem ai, thì đầu đã bị lão phu nhân giữ lấy, cài lên một chiếc trâm ngọc.
“Mi, đây là của hồi môn của bà năm mươi năm trước, bây giờ cho con. Chúng ta cũng không muốn xa con đâu, nhưng mà...”
Bà nói giống như muốn khóc, cũng may đại phu nhân vừa khéo ngăn lại.
Đại phu nhân đưa tay đỡ tôi đứng lên, nhưng rất nhanh đã buông ra. “Mi, chắc là con cũng nghe qua mấy lời đồn rồi. Nhưng tất cả chỉ là những lời vô căn cứ của bọn hạ nhân, không phải là thật. Sau khi con đến đó, tự nhiên sẽ hiểu rõ thôi.”
Thì ra là một ngày bụi trần còn chưa dẹp thì lòng người còn chưa an tâm.
Tôi nhìn lướt qua Cao ma ma đứng bên cạnh bà, không nén được cười: “Lời đồn gì nhỉ? Sao con chưa từng nghe nói?”
Lông mày của đại phu nhân cau lại: “Con bé này, toàn là mấy lời xàm xí, không nghe càng tốt, còn hỏi gì nữa?” Trên gương mặt mỹ miều dạt dào ý cười, tôi bất chợt cảm thấy ớn lạnh.
Tôi lùi lại một bước, mới phát hiện người không ngừng thút thít nãy giờ đang ở sau lưng tôi.
Đó là tứ tỷ Mộ Dung Linh của tôi, con gái ruột của đại phu nhân, vẻ đẹp của tỷ ấy thế gian không ai bì kịp.
“Tứ tỷ,” Tôi cất tiếng an ủi, “Muội chỉ là gả đi hơi xa thôi, không có gì đâu.”
Tứ tỷ chậm rãi ngẩng đầu lên nhìn tôi một cái, vẻ mặt phức tạp, lông mi rũ xuống, nước mắt ngừng rơi. Khóc thật là đẹp, thương tâm cũng là thật là thật, chỉ tiếc, không phải là bi ai vì tôi.
Bọn thẩm thẩm, di nương lúc này cũng đi lên. Mỗi người đều có lễ vật, lôi kéo tay tôi một bên thở dài thườn thượt một bên đẫm lệ chứa chan. Mười hai năm qua chưa từng xảy ra chuyện như vậy, tôi được cưng quá hóa sợ, không thốt nên lời.
Chờ mọi người tản đi, tôi mới quay về căn phòng ở đằng sau vườn. Trên vách tường đổ nát cỏ mọc rêu phong kia, tôi dành cả buổi chiều trước khi rời khỏi nhà, nhớ lại chuyện cũ, không biết là vui hay buồn.
Tôi nhớ năm tôi tròn năm tuổi, có một vị thúc thúc đưa tôi đến đây. Đêm cuối trước khi lên đường, ông đã ngồi tại mảnh vườn này thổi tiêu cho tôi nghe và nói chuyện với tôi. Tôi nhớ ông có gương mặt dễ nhìn, cùng với nụ cười đượm đầy ưu tư. Sau đó, tôi nằm ngủ trong lòng ông, trong mơ còn thoang thoảng mùi hương thanh mát của thảo mộc. Lúc tỉnh dậy vào buổi sáng, đã không còn trông thấy ông nữa. Từ đó về sau, tôi cũng chưa bao giờ gặp lại ông. Trước năm mười lăm tuổi, sinh nhật nào tôi cũng tìm được một món quà tinh xảo đặt trong ngôi đình đổ nát. Làm tôi vừa ôm quà vừa nhảy cẫng lên vui sướng, mới biết được thì ra bấy lâu nay ông vẫn luôn ở cạnh mình.
Tôi cũng nhớ lại lần đầu gặp nhị ca trong khu vườn này. Lúc đó, bầu trời rất xanh, có bông hoa dại đỏ rực như ánh nến nổi bật giữa thảm cỏ xanh rậm, một cậu bé đang ngồi trong đình, ở nơi tôi thường ngồi đọc sách, mặt mày rất chi là dễ thương, mái tóc và đôi mắt đen mơ hồ phát ra ánh sáng xanh nhạt. Tôi muốn trốn đi, nhưng anh đã nhìn thấy tôi. Anh ra khỏi đình, giẫm lên thảm cỏ, bước về phía tôi.
“Em là Mi hả?” Anh nói, “Anh là nhị ca của em.”
Tôi nhìn anh không nói lời nào.
Đó là ngày thứ ba tôi vào phủ Mộ Dung. Trừ lão phu nhân và đại phu nhân, cha không đưa tôi đi gặp ai cả.
Anh rất đẹp, giống như người nhà Mộ Dung, lúc anh nói chuyện sẽ mỉm cười, nụ cười như ánh mặt trời chiếu lấp lánh mặt nước, không giống với những người khác trong phủ mà tôi đã gặp.
Năm đó, anh mười một tuổi, tôi năm tuổi. Tôi ở trong căn phòng trước đây là của anh, cả khu vườn này cũng vậy. Anh ở trong phủ Mộ Dung sống tĩnh lặng nơi này tám năm. Cho đến khi tôi đến, cha mới bảo anh dọn sang chỗ khác, nhưng anh vẫn lén quay về ngồi ở mảnh vườn này.
Nhị ca cũng như tôi, không có mẹ. Cha và đại phu nhân không thương anh, cũng không thương tôi. Anh cô đơn buồn tẻ, tôi cũng vậy. Ngoài ra, cả hai chúng tôi cùng yêu vô cùng mảnh vườn vắng vẻ không người lại qua này, thậm chí còn hơn cả hoa viên Hề Tú nức tiếng Mộ Dung phủ Tô Châu. Tôi không biết tất cả những điều này có đủ để giải thích lý do vì sao trong phủ cha tôi có mười ba người con, chỉ có hai chúng tôi có tình cảm huynh muội thắm thiết.
Nhưng nhị ca thông minh hơn tôi nhiều lắm, tài hoa của anh trải dài vô tận.
Anh thơ hay vẽ giỏi, còn biết gảy đàn thổi tiêu. Anh thích trồng hoa đánh cờ, có lúc lại mần mò khắc con dấu. Anh làm cho tôi cái ấn nhỏ, vẽ mặt quạt, dùng cỏ, cây, trúc, đá tạo ra các loại hòn non bộ khác nhau. Năm mười sáu tuổi, anh đã vẽ sơ đồ vườn hoang hoàn chỉnh khiến tôi đến giờ vẫn còn mê mẩn. Anh biết được trong vườn không có bia đá trên đó khắc những chữ cổ hình dạng kỳ quái, anh còn có thể phân biệt tên gọi của đa số các loại thảo mộc ngư trùng (cỏ, cây, cá, côn trùng). Mùa hè, anh dạy tôi nhận biết các chòm sao dày đặc trên trời, mùa đông, anh sẽ ngồi bên lò sưởi cùng tôi nói chuyện vu vơ, thi từ ca phú.
Anh thi triển khinh công, giống như vệt mây vừa lướt qua nền trời. Anh dùng kiếm, nhưng ít thấy anh cầm kiếm, anh cũng chưa bao giờ ở trước mặt tôi biểu diễn kiếm pháp. Mãi đến tận khi Tam thúc dạy chúng tôi chiêu “Lam Điền Nhật Noãn”, tôi mới biết thì ra chiêu kiếm ảo diệu và súc tích này là của nhị ca. Sau khi nhìn thấy, cha liền sửa đổi một ít, sau này trở thành đề tài trà dư tửu hậu của giới giang hồ - chiêu thứ nhất trong “Trác Ngọc kiếm pháp”.
Nhị ca mười sáu tuổi bắt đầu theo cha và đại ca xông pha giang hồ, thường mỗi lần đi là mấy tháng. Mỗi khi trở về, anh đều mang cho tôi những thứ đồ chơi thú vị, kể tôi nghe vài chuyện lạ kỳ trên đường đi, nhưng những ngày vui vẻ như vậy thật ngắn ngủi, anh ở nhà chưa được bao lâu đã phải lên đường.
Đôi lúc bị thương, anh sẽ ở trong phủ nghỉ ngơi một đoạn thời gian. Anh tự mình kê đơn thuốc, thị đồng duy nhất của anh là Nam sẽ thay anh đi mua thuốc, sắc thuốc. Lúc anh dưỡng thương, cha và đại ca dường như đã quên bẵng anh. Bọn họ cũng không đi gặp anh, sự thật thì ngoài tôi ra, không có người nào đến thăm anh cả.
Vì vậy, từ sáng đến tối tôi đều lân la ở bên anh, đọc sách cho anh nghe, chọc anh cười, hoặc giả đợi anh ngủ say lộ ra bộ dáng nghiến răng cau mày, liền vẽ lại đưa cho anh. Nhìn bức họa tôi vẽ, nhị ca sẽ cười, mà tôi thì thật thích nhìn thấy anh cười, đặc biệt là lúc nụ cười trên mặt anh càng lúc càng ít, bờ trán nhăn lại nhàn nhạt ưu phiền.
“Nhị ca, làm thế nào để anh thật sự vui vẻ đây?” Có một ngày cuối cùng tôi không nhịn được, hỏi anh.
Anh ngẩn ra, hồi lâu mới quay đầu lại: “Có lẽ... là khi người anh quan tâm quan tâm lại anh.”
Không nghĩ đến anh lại đề cập đến bí mật không nói ra giữa chúng tôi, hai đứa con bị hắt hủi rất thương yêu và kính trọng cha mình. Cha của chúng tôi, người có đường kiếm lạnh lùng lừng danh giang hồ, cao quý hoàn mỹ giống như một vị thần. Mặc dù không hi vọng xa vời được ông yêu thương, nhưng chúng tôi lại rất khao khát nhận được dù chỉ là một ánh mắt lướt qua của ông. Nhiều năm nay, tôi đã thấy quen với sự thất vọng, nhưng nhị ca so với tôi càng cố chấp lại càng thương tâm.
Tôi đột nhiên cảm thấy sống mũi cay cay, trong lòng trống rỗng, như thể muốn đến gần thật gần nhị ca để xua đuổi cảm giác hư không này đi. Tôi ôm chặt cánh tay anh, đem mặt dán vào vai anh, không biết là muốn an ủi anh, hay là muốn từ trên người anh nhận được an ủi.
“Đừng buồn nữa,” Tôi nói, “Em quan tâm anh, em thật sự rất quan tâm anh.”
Nhị ca thở dài khe khẽ, xoa đầu tôi. “Anh biết.” Anh nói, “Anh biết.”
Y thuật của nhị ca hẳn là rất giỏi, cho nên mới có thể nhanh như thế chữa lành vết thương. Sau khi anh khỏe hẳn, lại cùng với cha và đại ca rời nhà đi xa. Lúc khởi hành, cha và đại ca sánh bước cùng nhau, một mình anh lạc lõng ở phía sau. Mỗi lần ra tiễn, tôi đều cảm thấy đau lòng thay cho nhị ca.
Nhưng đại ca đúng là có lý do để được cha thương yêu. Khác với nhị ca không được người đời biết đến, đại ca Mộ Dung Nguyên năm mười lăm tuổi đã chói sáng vô cùng, mười chín tuổi đánh bại liên tiếp mười ba cao thủ hàng đầu, từ đó thanh danh vang dội. Năm hai mươi hai tuổi, đại ca khiêu chiến ba tay kiếm lừng danh giang hồ, đứng đầu là chưởng môn Võ Đang - Tùng Nham đạo trưởng, sau khi kịch chiến năm trăm chiêu, cuối cùng dùng một chiêu kiếm chưa từng xuất hiện trên giang hồ phá đi tuyệt chiêu “Vạn Hác Tùng Đào” của đối phương. Tùng Nham đạo trưởng tuy rằng chưa thua, nhưng tâm tro ý lạnh đã quăng kiếm đi, trước lúc lên đường còn khẳng định trong vòng năm năm, không có người nào có kiếm thuật thắng được đại ca.
Tin tức về trận chiến truyền khắp giang hồ. Đêm đó khi bọn họ hồi phủ, lão phu nhân liền mở tiệc mời thân bằng quyến hữu mừng chiến công của đại ca. Đêm đó, đại ca đẹp trai bức người, đại phu nhân cười không ngớt miệng, ngay cả cha bình thường lãnh đạm dường như cũng ôn hòa hơn nhiều.
Nhưng tôi vẫn không thể nào nhịn được liếc nhìn nhị ca sắc mặt tái nhợt, biểu tình đạm bạc, nhìn anh không nói một lời im lặng uống rượu, một ly rồi một ly. Sau đó, tôi cảm thấy được ánh mắt của cha có đôi khi dừng lại trên mặt nhị ca, ánh mắt sắc bén lạnh lùng, mà nhị ca dường như không hề hay biết. Tôi bắt đầu thấy lo cho nhị ca, không biết anh có vì buồn bực quá độ mà chọc giận cha không. Sau đó, chuyện tôi lo lắng rốt cuộc cũng xảy ra.
Lúc nhị ca vừa dứt bầu rượu thứ hai, bỗng nhiên cha phóng ra một chiếc đũa trúc, đâm vỡ ly rượu của nhị ca.
“Một người u sầu, mọi người mất vui,” Cha lên tiếng, “Nếu không có hứng ngồi nữa, thì về phòng đi.”
Không gian rơi vào im lặng, hàng trăm cặp mắt đổ dồn về phía nhị ca.
Nhị ca cúi đầu nhìn chén rượu bể nát, ngẩn người ra.
Tôi chỉ cảm thấy trái tim nhất thời ngừng đập, máu huyết toàn thân dồn lên mặt, hai gò má nóng ran. Chỉ mong người bị cha làm nhục là mình, chứ không phải là người nhị ca cực kỳ cố chấp nhưng không hề yếu đuối này.
Nhị ca chậm rãi ngẩng đầu lên, ánh nến đung đưa, mơ hồ khuếch đại vẻ tuấn dật của anh, khiến tôi không tài nào nhìn rõ ánh mắt anh.
Anh từ từ đứng dậy, hai bàn tay có hơi run, nhưng anh đã rất nhanh đem chúng giấu trong tay áo.
Anh bước qua đại sảnh, bình tĩnh một cách đáng ngạc nhiên. Tôi đưa mắt nhìn anh dưới ánh đèn lấp loáng ngoài cửa càng lúc càng xa. Kể từ lúc ấy, tôi cũng chẳng còn lòng dạ nào ăn nữa.
Cuối cùng tôi cũng có cơ hội rời khỏi bữa tiệc. Tôi biết nơi nào có thể tìm được nhị ca, cho dù là vui hay không vui, chúng tôi luôn luôn rúc vào khu vườn của chúng tôi.
Quả nhiên nhị ca ở đó, ngồi trong ngôi đình như lần đầu tiên tôi nhìn thấy anh, ở bên cạnh có một vò rượu không biết lấy từ đâu ra.
Nhìn thấy tôi, anh mỉm cười.
“Mi,” Anh nói, “Qua đây uống với anh!”
Tôi ngồi xuống bên cạnh anh. Chúng tôi không nói lời nào cùng nhau uống rất lâu, gió đêm thổi tới, đột nhiên tôi cảm thấy thật đau lòng.
“Nhị ca,” Tôi mở lời, “Thật ra anh không cần để ý đến cha.”
“Được không?” Nhị ca ngẩng đầu cười, “Nhưng anh là con ông ấy.”
Tôi há miệng, lại phát hiện không biết phải nói làm sao.
Nhị ca ngẩng đầu nhìn màn đêm buông xuống. “Đối với anh như vậy đã hai mươi năm, bây giờ anh mới hiểu, cũng khó trách ông cảm thấy anh không xứng là con trai ông.”
Tôi nắm lấy tay anh, tay của anh nóng đến phát sợ, khiến tôi hoảng loạn.
Anh vùng khỏi tôi, đứng dậy.
“Đã muộn rồi, về ngủ đi.” Sau đó, anh bước loạng choạng rời khỏi vườn.
Đêm đó trời mưa, tiếng mưa đập lên cây cỏ khô héo trong vườn, tạo nên cảm giác thê lương kinh khủng.
Tôi mơ thấy rất nhiều ác mộng, mơ gặp lại người mẹ đã lâu vắng bóng, mơ thấy ánh mắt buồn bã của thúc thúc, rồi trong thoáng chốc nghe thấy có người nói, nhị ca không còn trên đời nữa. Đột nhiên tim đau vật vã, tỉnh dậy thấy lệ vương đầy mặt.
Ngoài cửa sổ, mưa càng lúc càng lớn, tôi lặng thinh ngồi nghe, đột nhiên một nỗi sợ hãi trào ra phủ kín thịt da tôi.
Tôi vơ lấy áo ngoài chạy ra khỏi phòng, nỗi sợ làm cho chân tôi mềm nhũn, tôi lảo đảo chạy tới chỗ ở của đại ca chìm trong bóng tối mịt mù, gõ mạnh vào cửa.
Nửa ngày không thấy người trả lời.
Lúc này, tôi mới nhớ tới thị đồng duy nhất của nhị ca là Nam mấy ngày trước đã về nhà lo cho mẫu thân đang lâm bệnh nặng.
Một dòng khí lạnh lẽo từ gót chân lan đến đầu ngón tay, sau đó tôi nghe thấy tiếng ho khan của nhị ca xen lẫn trong tiếng mưa. Anh ho rất dữ, rồi đột ngột ngưng lại, bốn bề yên tĩnh.
Tôi leo tường vào, mở chốt cửa, ngón tay run rẩy thắp nến.
Nhị ca nằm trên giường mặt mày trắng bệch, tựa như như mỗi lần hít thở đều phải vận hết sức.
“Anh bị thương hả?” Giọng tôi đầy sợ hãi.
Anh không trả lời.
Tôi cởi áo anh ra, nhìn thấy trước ngực anh quấn mấy lớp vải, vết máu khô thấm cả ra ngoài, giống như bị rữa. Tôi dùng dao cắt lớp băng ra, vết thương nằm ở giữa ngực nhìn thật kinh tâm, là vết chém của kiếm, tổng cộng có ba chỗ, hai chỗ sâu đến nỗi sưng tấy thành mủ, lở loét cả ra. Người anh nóng hầm hập, da dẻ nhợt nhạt, giống như cơ thể đã bị rút hết máu.
Nước mắt của tôi cứ tự nhiên rơi xuống.
“Khóc cái gì?” Anh mở mắt ra, “Lúc đó không chết... bây giờ cũng không.”
Tôi khóc, gật đầu, nắm lấy tay anh. Tay anh đổ đầy mồ hôi, bờ môi trắng bệch, đôi mắt mơ hồ.
“Quá nhanh... Trước sau vẫn có mấy kiếm không tránh được...”
Tim tôi nảy lên, không nhịn được hỏi: “Sao chứ?”
Ánh mắt anh chợt lóe, lại tiếp tục ho dữ dội, khóe miệng rỉ máu. Lồng ngực vang lên một tiếng động lạ, đau đớn vô cùng tận, ngay cả hít vào cũng khó.
Ho làm động đến vết thương, máu trào ra càng ngày càng nhiều, anh đau đến nỗi nhăn nhó mặt mày, sau cùng ngất đi, gương mặt tái nhợt giãn ra, giống như đã chết.
Trong mưa, tôi chạy như điên về phía nơi ở của cha. Tôi mặc kệ mọi thứ đấm mạnh vào cửa, cho đến khi có người ra mở cửa, tôi đẩy ngã người đó, xông vào bên trong. Cha đã ngủ dậy, mặc quần áo chỉnh tề, đang ngồi ở dưới ánh đèn.
Tôi quỳ xuống.
“Nhị ca sắp chết rồi, xin cha hãy cứu anh ấy!”
Tôi đau đáu nhìn cha, hoàn toàn quên mất trước giờ mình chưa bao giờ dám nhìn thẳng vào ông như vậy.
Cha vẫn một bộ lạnh lùng trấn tĩnh như vậy, chỉ hơi nhíu lại lông mày: “Rốt cuộc bị sao?”
Tôi hít một hơi, cố giữ cho giọng mình đừng run rẩy.
“Anh bị kiếm chém thương... nhất định là chạm đến phổi rồi, ho ra máu, lại còn sốt cao nữa.”
Cha gật đầu, vẫy tay gọi một người hầu tới: “Ngươi đi mời Vạn đại phu, hối ông ấy nhanh lên.”
Người đó nhận lệnh đi khỏi, cha cũng đứng lên.
“Ngươi về đi.” Ông nói.
Tôi đột nhiên cảm thấy máu toàn thân dồn hết lên đỉnh đầu, chỉ cần một cú đánh là có thể lăn quay ra.
“Ông không đến nhìn anh ấy sao?” Tôi hét lớn. “Lẽ nào anh ấy không phải là con của ông?”
Cha vốn dĩ đã quay người, chợt đứng lại.
“Ta không đi.” Ông nói, “Nếu nó đúng là con của ta, sẽ không chết dễ như thế.”
Tôi đờ ra, cảm thấy chán nản vô cùng. Không nói lời nào đứng lên, tôi quay người, đứng ở ngưỡng cửa một lúc, gần như muốn lao thẳng ra màn mưa gió bên ngoài, bỗng nhiên nghe thấy tiếng ông: “Chăm sóc tốt cho nó!”
Người tôi run lên, nhưng không hề quay đầu lại.
Thương thế của nhị ca cực kỳ trầm trọng. Đại phu bảo sau khi trọng thương anh không chịu tĩnh dưỡng, đã vậy còn uống nhiều rượu làm cho vết thương càng trở nặng. Ông biên đơn thuốc cho tôi, lại bảo nếu sau mười cữ thuốc mà không thấy hiệu quả thì hết cách rồi, chỉ còn chờ vào ý trời.
Trong ba ngày, tôi không ngủ không nghỉ canh bên người nhị ca. Mỗi lần anh ho rũ rượi, tôi nín thở lau đi vết máu nơi khóe miệng anh, sợ hãi cảm giác tim phổi anh như sắp vỡ vụn ra thành từng mảnh.
Hoàng hôn ngày thứ ba, anh rốt cuộc cũng hạ sốt. Tôi không chớp mắt nhìn anh, đến tận nửa đêm anh tỉnh lại. Ánh mắt trong trẻo phút chốc tỏa sáng cả căn phòng tối.
Tôi khóc to, gần như là hét lên. Lệ nóng tuôn trào, nhị ca trở nên mơ hồ trong mắt tôi.
Tôi nghe anh thì thầm. “Anh không chết. Mi, anh sẽ không để em lại một mình đâu!”
Khi đó trời đã vào cuối thu, sắc thu tràn ngập khắp nơi, thê lương thấu xương, mưa thu man mác tỏa vào không gian.
Nhị ca nhìn ra vườn nói với tôi: “Em thấy không Mi, đây chính là cái gọi là ‘Tiêu tiêu lạc diệp, lậu vũ thương đài (1).”
(1) Tiêu tiêu lạc diệp, lậu vũ thương đài: Câu cuối bài “Bi Khái” trong “Nhị thập tứ thi phẩm” của Tư Không Đồ đời Đường. Dịch nghĩa: Mưa rơi xào xạc, mưa vờn cỏ xanh.
Bảy ngày sau, hai người chúng tôi lại xuất hiện bên bàn ăn của gia đình. Cha thờ ơ lướt qua hai đứa, không nói lời nào. Đại ca nghiêng đầu nhìn nhị ca, mỉm cười một cách kỳ lạ.
Tứ tỷ Mộ Dung Linh do dự thật lâu, rốt cuộc hỏi: “Nhị ca, mấy ngày qua bệnh của anh sao rồi?” Đại phu nhân vừa đưa mắt nhìn, tỷ đã cúi đầu xuống.
Nhị ca cười: “Bây giờ không sao rồi.”
“Không sao thì tốt.” Cha cầm đũa, “Ăn cơm đi.”
Mọi người lặng lẽ ăn cơm, giống như chưa từng có chuyện gì xảy ra.
Một ngày mùa đông, tam ca và tứ ca cũng bắt đầu hành tẩu giang hồ. Nhưng trên giang hồ như cũ vẫn rất ít người nhắc đến Mộ Dung nhị công tử Mộ Dung Lan. Trước giờ con cháu nhà Mộ Dung luôn thành danh ở ngưỡng thiếu niên, chỉ có nhị ca tròn hai mươi tuổi nhưng không có chút nào nổi tiếng. Anh phảng phất như bị chìm khuất trong ánh hào quang của các huynh đệ khác, cho đến khi biến động xảy đến đã làm thay đổi tất cả.
Đó là vào mùa thu năm thứ hai, cha và bốn vị ca ca lại tiếp tục rời nhà đi xa. Lúc bọn họ đi, toàn bộ Mộ Dung phủ ngập trong hương quế thơm lừng. Một tháng sau, khi đám nha hoàn trong phủ bận rộn thu thập hoa quế phơi khô dự định làm túi thơm, có một tin đồn chỉ trong một đêm truyền khắp giang hồ: cha, đại ca, tam ca và tứ ca gặp ám toán của Thiên Qua Bang bất hạnh qua đời, chỉ có nhị ca bởi vì ở lại Tùng Giang nên thoát được kiếp nạn.
Toàn gia trên dưới bàng hoàng, cả ngày thấp thỏm bất an, lại không có người nào dám hỏi ra miệng. Nhị thúc và tam thúc phái người đi dò xét nhưng đều không thấy tin tức, cho đến bảy ngày sau, khi nhị ca bộ dáng bệu rệu quay về phủ, không nói một lời quỳ phịch trong phòng lão phu nhân, mọi người mới chịu tin tấn thảm kịch đó là thật.
Thi thể của cha bị Thiên Qua Bang cướp lấy, nhị ca đưa về chỉ có linh cữu của ba vị ca ca. Trong phủ nhất thời tiếng oán than ngập trời, lão phu nhân bất tỉnh tại chỗ, nhị di nương, tứ di nương phục trước xác các anh khóc nức nở.
Chỉ có đại phu nhân, không mở quan tài đại ca ra xem, mà cứng nhắc đi đến trước mặt nhị ca, lệ hoen đầy mặt rặn ra từng chữ. “Là ngươi.” Bà nói, “Ta biết, chính là ngươi giết Nguyên Nhi của ta.”
Giọng nói tràn đầy oán thù cùng ánh mắt khiến người ta kinh sợ.
Sắc mặt nhị ca trắng bệch, trấn tĩnh nhìn bà, trước sau không mở miệng.
Tối hôm đó, tôi tìm thấy nhị ca ở trong vườn. Trời không trăng không sao, nhị ca đứng bất động trên cỏ ngước nhìn màn đêm.
Tôi bước đến bên cạnh, nắm lấy tay anh.
Anh giật mình, chậm rãi quay người lại.
“Anh đừng quan tâm đến lời nói của đại phu nhân,” Tôi nói, “Bà chỉ là đau lòng quá thôi.”
Anh không trả lời, nhưng tôi lại cảm thấy tay của anh hơi run.
Gió thu man mát vây quanh người chúng tôi, thoang thoảng mùi cỏ khô hanh trong không gian hoang vắng, tôi đột nhiên cảm thấy quặn lòng, đưa tay ôm lấy nhị ca.
Nhị ca run rẩy trong im lặng, anh dụi đầu vào vai tôi, bờ trán lạnh lẽo dán lên cổ tôi, nỗi bi thương và tịch mịch ẩn sâu trong lòng anh như dòng nước chậm rãi chảy vào tim tôi, hóa thành những giọt lệ mằn mặn rơi xuống đất.
Đây là lần duy nhất anh để tôi nhìn thấy bộ dạng yếu đuối của anh, khiến tôi muốn làm mọi điều có thể để chăm sóc và bảo vệ anh, muốn anh hạnh phúc, giống như trước giờ anh đã đối với tôi.
Cái chết của phụ thân làm náo động cả giang hồ, thù cũ thù mới đều rục rịch tìm tới nhà.
Nhị thúc cùng tam thúc tự nhận không đủ khả năng chủ trì đại cuộc, đã nhất trí chọn nhị ca làm chủ nhân đời mới của Mộ Dung gia. Trong thời khắc rối ren này, nhị ca trở nên trầm mặc ít nói, tâm sự chất chồng. Nụ cười trên mặt anh cũng ít khi xuất hiện, thậm chí anh còn không có cả thời gian đi vườn hoang.
Tường cao nhà Mộ Dung giống như ngăn cách hết thảy sóng gió giang hồ. Nhị ca cũng không hé miệng nói gì với chúng tôi, chỉ thỉnh thoảng qua lời kể của Nam, tôi mới biết được anh đã âm thầm loại bỏ một vài nguy cơ nghiêm trọng.
Đau thương dần phai nhạt, mọi người trở lại nếp sống bình thường. Đại phu nhân không còn đề cập đến cái chết của đại ca, lại khôi phục thái độ bình thản như trước. Bà cũng không can thiệp vào các sự vụ đối ngoại nhị ca xử lý, mà nhị ca lúc nào cũng tỏ thái độ tôn kính bà.
Hết thảy mọi thứ cứ lặng lẽ diễn ra, cho đến một ngày.
Ngày đó, cuộc đời tôi về cơ bản là thay đổi, tôi phải rời nhà gả đi xa, vĩnh viễn không còn được gặp lại nhị ca của tôi, vườn hoang của tôi, cùng với những người gọi là thân nhân của tôi. Tôi cảm thấy lòng buồn và bối rối, lạnh lẽo và không yên. Nhưng tôi không hề hối hận về quyết định ngày hôm đó, cho dù thời gian có quay lại một ngàn lần, tôi vẫn không chút ngại ngần lựa chọn như vậy.
Tôi biết tôi làm như vậy là vì ai, vì cái gì, nhưng đôi khi tôi lại nghĩ đó là số phận an bài. Tròn năm tuổi, mẹ qua đời, thúc thúc mang tôi từ phương Bắc xa xôi đến Giang Nam ấm áp. Có thể từ lúc đó đã định sẵn tôi cuối cùng cũng phải đi xa, trở về quê hương chân chính của mình.
3 nhận xét :
Tôi nghe anh thì thầm. “Anh không chết. Mi, anh sẽ không để em lại một mình đâu!”
Khi đó trời đã vào cuối thu, sắc thu tràn ngập khắp nơi, thê lương thấu xương, mưa thu man mác tỏa vào không gian.
Nhị ca nhìn ra vườn nói với tôi: “Em thấy không Mi, đây chính là cái gọi là ‘Tiêu tiêu lạc diệp, lậu vũ thương đài (1).”
(1) Tiêu tiêu lạc diệp, lậu vũ thương đài: Câu cuối bài “Bi Khái” trong “Nhị thập tứ thi phẩm” của Tư Không Đồ đời Đường. Dịch nghĩa: Mưa rơi xào xạc, mưa vờn cỏ xanh.
Nhị ca run rẩy trong im lặng, anh dụi đầu vào vai tôi, bờ trán lạnh lẽo dán lên cổ tôi, nỗi bi thương và tịch mịch ẩn sâu trong lòng anh như dòng nước chậm rãi chảy vào tim tôi, hóa thành những giọt lệ mằn mặn rơi xuống đất.
CÁM ƠN
Đăng nhận xét