[CPTL] Tha thứ cho con

on 23 tháng 11, 2014
Tác giả: Nhất giang xuân thủy nhâm đông lưu (Sông xuân chảy về đông) 
Nguồn: diễn đàn Hồng Tụ, cuộc so tài thứ 9 năm 2013 
Dịch: Khuyên @ Cuộn lên



Có lúc tôi nghĩ, nếu như có thể lựa chọn, tôi thà rằng không quen ông, không phải là con ông, còn ông cũng chẳng phải cha tôi. Bây giờ mới biết, thì ra “yêu” có hàng trăm ngôn ngữ, mà tôi hời hợt chẳng quan tâm. 

Đôi khi ta cuống cuồng tìm kiếm một thứ, mệt mỏi rồi mới ngây ngốc nhận ra: Nó vốn nằm trong lòng bàn tay. 




1. 

Tôi sinh ra trong một ngày đông giá rét. Nông thôn thời ấy chịu ảnh hưởng của tư tưởng trọng nam khinh nữ. Mẹ tôi sau khi sinh hạ hai chị thì hoài thai tôi. Thời gian càng trôi, nghi ngờ càng rõ, bất luận là từ tư thế đi đứng, hay là thói quen ăn uống, cho đến khi có một bà lão kinh nghiệm đầy mình nói với mẹ tôi: Cái thai này là con gái. 

 Từ sáng, bụng mẹ đã râm ran, nhưng mẹ không để lộ. Mẹ lê thân thể cục mịch của mình vội vã đi dọn dẹp nhà cửa, giặt đồ, phơi nắng. Cơn đau càng lúc càng dữ dội, mẹ phải ngồi nghỉ một lúc mới có thể quay trở lại nấu cho xong bữa cơm. Ăn xong, ông ẵm hai chị vào phòng bếp sưởi ấm, còn mẹ thì trở về phòng. Lúc nước ối vỡ ra, mẹ không hề hốt hoảng, ngồi vào chiếc thùng đã được rửa sạch, dùng tay xoa nhẹ vùng bụng vài cái, tôi đã oe oe đáp xuống thùng. Ông nghe động tĩnh nên mở cửa bước vào, mẹ vội vàng kêu ông bế tôi đặt vào trong chậu gỗ, tắm rửa sạch sẽ rồi quấn tôi lại. Ông nâng đùi tôi lên, nhìn thấy rõ ràng là con gái, không nói lời nào, đẩy cửa bỏ đi. Mà lúc này nhau thai vẫn còn nằm ì trong cơ thể mẹ, trong tình huống cấp bách, mẹ cố gắng bứt ra, kết quả ngã vật ra đất, cũng làm cho chiếc thùng nước bên cạnh đổ ụp xuống. May mà có bà bác hàng xóm ghé qua, ôm lấy tôi đã lạnh tím người, quấn khăn cho ấm rồi đặt lên giường. Sau đó, bác thay quần áo cho mẹ tôi, thu dọn đống hỗn độn trên đất, một lúc sau lắc đầu bỏ đi. 



2. 

Khi đến tuổi ghi nhớ, tôi bám riết lấy mẹ hỏi về cách mình chào đời. Có lẽ mẹ mãi mãi không biết, chuyện như thế không thể nói với một đứa trẻ nhạy cảm, bởi vì từ đó về sau, tôi trở nên xa cách hẳn với ông. Tuy nói không phải là hận, nhưng không sao thân thiết được. 

Hồi nhỏ, cơ thể tôi yếu lắm, lại hay bệnh. Và lẽ dĩ nhiên, tôi đem mọi tội lỗi đổ lên đầu ông. Tiết trời lạnh lẽo lại đang tâm vứt bỏ tôi, cho nên tôi mới thành ra thế này. 

Lớp ba, tôi bắt đầu học viết văn. Nhưng tôi cắn môi mãi, vẫn không biết viết như thế nào, cho nên đành quấn lấy chị hai nhờ chị hai dạy. Bà chị tài giỏi của tôi lúc đó đang loay hoay nấu ăn trong nhà bếp, bởi cha mẹ làm việc ở công trường sắp trở về rồi. Tôi túm lấy tay chị không buông, kết quả không cẩn thận làm đổ nồi cơm xuống đất. Ông trở về nhìn thấy cảnh này, tức giận tát tôi. Máu mũi tôi chảy ra không ngớt, mẹ hoảng hồn vo hai cục giấy nhét vào mũi tôi, sau đó dùng khăn lau những vết máu dính trên mặt tôi. Mẹ còn lấy nước lạnh vỗ nhẹ vào sau gáy tôi mấy cái, đợi một lúc, máu cũng cầm lại được. Tôi giật ra hai cục giấy. Nỗi oán hận ông, giờ phút này lại tăng thêm một phần, dù rằng từ đó trở đi, ông chưa hề động đến một lóng tay của tôi. 



3. 

Lớp sáu, tôi thích văn học điên cuồng. Mượn sách người khác, gặp lúc người ta giục quá, tôi sẽ trốn trong chăn soi đèn pin mà đọc ngấu nghiến. Vài ngày sau đó pin hết, mẹ lắc tới lắc lui, lầu bầu than thở sao chất lượng pin càng ngày càng kém. 

Có một ngày ông đi làm về, tay cầm một cái túi. Đương lúc tôi đang làm tập làm văn, thì có cái gì rơi xuống đất, nhưng ông lại không phát hiện ra, cứ thế bước vào trong phòng. Tôi lặng lẽ nhặt lên, là “Tây Du Ký”. Đây là cuốn sách tôi đã dùng một tuần trực nhật để đổi với các bạn trong lớp nhưng không được. Tôi vội vã nhét vào cặp táp, tỏ vẻ không có việc gì tiếp tục viết văn. Ngày hôm sau là thứ bảy, tôi đọc như đói khát, sau đó ước chừng giờ ông về, mang sách giấu đi. Buổi tối cũng không dám đem ra đọc, sợ ông thấy sẽ tịch thu. 

Ông đúng là người hời hợt mà, vậy mà không phát hiện sách đã mất. Tận đến khi tôi xem xong, lặng lẽ đặt sách vào phòng ông, mới nghe thấy ông nói với mẹ: Cuốn này mượn lâu lắm rồi, ngày mai sẽ mang trả, rồi lại mượn cuốn khác, bởi vì người ta bảo, một quyển sách có thể mượn cả tuần lận. Tôi mừng rơn trong bụng, có chút mong chờ, cuốn tiếp theo sẽ là cuốn gì nhỉ? Cứ như vậy, ông không ngừng mượn sách, nhưng lúc nào cũng bận quá mà quên khuấy, để cho tôi xử tất tần tật. 



4. 

Nháy mắt, tôi đã lên cấp ba. Trường huyện cách nhà hai trăm dặm, mà mẹ thì không thể đi, vì mấy việc vụn vặt trong nhà nhiều lắm. Một đứa nhóc chưa từng đi đâu xa như tôi cảm thấy thấp thỏm lắm, quay sang nhìn ông, nhưng không dám mở miệng, chỉ hi vọng ông có thể chủ động nói muốn đưa tôi đi. Nào ngờ ông lại nói ngày mai sẽ cùng mẹ đi đến chỗ làm mới. Nhìn bộ dạng thờ ơ của ông, lo lắng trong lòng cùng nỗi bất an khi lần đầu xa nhà, tất cả đã bị phẫn nộ dập cho tan tác, khiến tôi trằn trọc không ngủ được. 

Sáng ngày hôm sau, mẹ tiễn tôi lên xe, tôi ngồi ở hàng ghế trước, ngẩn người nhìn cửa sổ xe. Cảm giác càng lúc càng rời xa nhà, tôi cắn chặt môi, không cho mình bật khóc. Sự vô tình của ông càng khiến tôi thêm nuôi quyết tâm rời khỏi. 

Điểm danh, nộp học phí, dọn giường... Tôi không ngờ mình lại giỏi giang như vậy. Có lẽ chính sự coi thường của ông đã khiến tôi trở nên mạnh mẽ. Lúc xuống lầu lấy nước nóng, ở chỗ rẽ thấy thoáng qua bóng người, nhìn giông giống ông. Tôi tự cười nhạo mình. Có thể sao? Tôi là con bé ba không được yêu thích mà, sao lại khiến ông đến đây được? 

Tôi cố gắng học tập, thầm thề với lòng, sẽ có một ngày khiến cho ông nhìn bằng con mắt khác. 



5. 

Niêm mạc mũi tôi mỏng, dễ xuất huyết, cho nên lúc nào tôi cũng cẩn thận bảo vệ không cho nó va phải vật cứng gì. Hôm đó là ngày nghỉ, mọi người ríu rít thu dọn hành lý. Tôi đang cúi xuống thắt giày, bỗng bạn học từ giường trên nhảy phốc xuống, đầu gối của bạn ấy đúng lúc đập vào mũi tôi, khiến cho chiếc mũi tội nghiệp của tôi chảy máu kháng nghị. Mà chuyến xe tốc hành về quê cũng gần đến rồi, tôi chỉ đành chật vật bụm mũi lên xe. 

Về đến nhà đã chập tối, mẹ đang nấu cơm trong phòng bếp, tôi chạy vào, líu ríu kể cho mẹ nghe những chuyện ở trường học, còn có cả chuyện chảy máu mũi. Tình cờ tôi phát hiện ông đang ở ngoài cửa nghe lén chúng tôi nói chuyện, tôi khinh thường “hừ” một tiếng, bỗng dưng cảm thấy khoan khoái vô cùng. 

Sáng hôm sau, mẹ bưng một chén canh thịt nạc nấu với rễ cỏ tranh, nghe bảo là phương thuốc cổ truyền gì đó. Ăn liên tục trong vòng ba ngày, tôi phát hiện mình không còn chảy máu mũi nữa, đúng là lời của cha ông không thể nghi ngờ. 



6. 

Vào đại học, đi làm, lập gia đình, sinh con... Đời người thật giống như dòng nước chảy, cứ mãi không ngừng, lúc dữ lúc êm. Còn thời gian là nắm cát trong tay, càng muốn giữ chặt, lại càng rớt nhanh.

Năm nay, mẹ đi đến thành phố ven biển xa xôi, giúp em trai chăm con nhỏ, còn ông mới một tháng đã trở về, nói là không hợp khí hậu. Tôi mua nhà trong thành phố, mỗi tháng phải trả tiền góp. Công ty làm ăn sa sút, tôi từ chức về quê mở một siêu thị nhỏ... 

Không trong chăn không biết chăn có rận, lúc còn đi làm, luôn ước có tiền mở tiệm, cảm thấy mỗi ngày được ngồi nhàn nhã, đút túi một khoản thu nhập kha khá là chuyện hưởng thụ đến cỡ nào. Nhưng đến khi háo hức tiến vào thì mới biết, đây là một hồ nước đục ngầu sâu không tưởng. 

Bạn phải đi điều tra thị trường, phân tích tình hình, tìm hiểu người tiêu thụ cần gì muốn gì. Bạn phải có nguồn hàng phong phú, hình thức đa dạng, như vậy mới có thể lưu lại bước chân của khách hàng. Bạn phải nói năng nhỏ nhẹ, luôn nở nụ cười đón chào, như vậy mới có thể lưu lại lòng của khách hàng. Bạn phải giao hàng tận nhà, trực điện thoại 24/24 giờ, như vậy mới có thể nhận được sự ủng hộ thường xuyên của nhóm khách hàng tiềm năng trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt. Bạn phải khôn khéo, có tài ăn nói, để giành được những mối hàng hút khách. 

Ông xã đi làm, một mình tôi trông coi cửa hàng lớn như vậy, bận tối tăm mặt mũi. Một mình tôi, nghĩ đến khoản tiền nhà khổng lồ, nghĩ đến chi phí trong tháng của con cái, haiz, cái nào có thể tiết kiệm thì đành tiết kiệm... Vì thế, hàng ngày tôi đều cuốc bộ, rất ra dáng một bà nội trợ vội vã. 

Sáng nay, lúc đang xếp lại hàng trên kệ, tôi phát hiện có một vài món thực phẩm ế ẩm, rất nhanh sẽ hết hạn, cho nên tôi đặt chúng ở vị trí bắt mắt nhất, hi vọng sẽ có người mua sớm. Bỗng nhiên điện thoại reo lên, có quán trà đặt hàng gấp mấy cây thuốc lá hảo hạng. Tôi ngẩng đầu lên, vừa hay thấy ông, tôi để ông coi tiệm, còn mình thì nhảy lên xe đạp điện phóng vọt đi giao hàng cho người ta. 

Khi trở về, thấy ông đang chọn một đống thực phẩm để trước quầy thu ngân, bảo là có người nhờ mua. Tôi liếc mắt một cái liền nhận ra đây toàn là những hàng chờ thanh lý. Tôi nói cứ cầm đi, không cần trả tiền. Nhưng ông không chịu, khăng khăng đòi trả tiền. Ông nhẩm tính giá, sau đó để tiền lại. Haiz, thôi được thôi được, cầm lấy đi, ai bảo hiện giờ thứ tôi thiếu nhất là tiền chứ! 

Từ đó, cứ cách hai ngày, ông lại đến một lần, gom những món y chang vậy. Tôi cảm thấy bất an, đồng thời lại có chút vui vẻ. Ôi trời, từ khi nào tôi đã trở thành một thương nhân chỉ biết đến lợi nhuận như vậy! Có một ngày, ông tới, có vẻ vội vàng, chưa đầy mười phút sau, ông nhận một cú điện thoại, rồi lập tức rời khỏi. Tôi muốn hỏi chuyện gì, nhưng không tài nào mở nổi miệng. Bỗng dưng phát hiện giữa chúng tôi từ bao giờ đã trở nên xa lạ như vậy, giống như chưa từng nói chuyện với nhau. 

Cuối tuần, ông xã ở nhà, tôi thở phào nhẹ nhõm. Bác gái hàng xóm nhà mẹ đến mua đồ, rảnh rỗi trò chuyện vài câu, được một lúc thì bác ngập ngừng, như thể có điều muốn nói. Giác quan của tôi cho tôi biết, nhất định có liên quan với ông. Dưới sự hỏi tới của tôi, bác bảo gần đây thường thấy ông đến nhà thăm một người bạn ở công trường bị bệnh nằm liệt giường, nhưng lại có một người vợ rất xinh đẹp.... 

Bác gái đi rồi, tôi cảm thấy xấu hổ và giận ghê lắm! Hèn chi dạo này nhìn ông cứ vội vàng. Không ngờ mẹ không có bên cạnh, ông lại làm ra chuyện tày đình như vậy. Không được, tôi phải đi một chuyến! Trên đường đi, tôi nghĩ rất nhiều, lỡ như nhìn thấy cái gì, tôi phải làm sao! Đầu óc còn đang rối rắm thì đã tới nơi. Tôi rất quen thuộc với chỗ này vì đây là sân chơi một thời của tôi mà! Tôi nhìn thấy quần áo phơi đầy trước sân nhà. Tôi nhìn thấy ông và người đàn bà kia đang kéo một tấm ra giường định phơi lên. Tôi nhìn thấy ông bà đang thì thầm chuyện gì đó. Tôi dựng xe cái rẹt, ông ngẩng đầu thấy tôi, sắc mặt lập tức thay đổi, có vẻ sợ hãi, càng khiến tôi hoài nghi ông có tật giật mình. Tôi nhìn ông chằm chằm, nhấn mạnh từng chữ một: “Ông không biết xấu hổ à? Về nhà ngay cho tôi!” Sau đó, tôi quay lưng đi, mặc kệ hai người đang còn đứng như trời trồng. 

Chập tối, mẹ gọi điện bảo là đang trên máy bay, có chuyện muốn nói với tôi. Tốt thôi, tôi cũng có chuyện cần nói. 

Mẹ về. Nhìn mẹ càng ngày càng già đi, tôi bỗng cảm thấy không đành lòng. Tôi quyết định không nói sự thật. Nào ngờ lời bà nói ra sau đó lại khiến cho tôi rúng động. Mẹ kể, cha vốn là trẻ mồ côi cho nên tính tình hướng nội, không giỏi ăn nói. Thật ra, cha yêu tôi lắm, nhưng cha chưa từng biểu lộ ra ngoài, còn tôi, vẫn luôn hiểu lầm cha, ghi hận cha, cũng không bao giờ đến gần cha... 

Thì ra, ngày tôi chào đời, cha đẩy cửa bỏ đi, không phải vì ghét bỏ tôi là con gái, mà là cha vội đi tìm bà bác hàng xóm đến giúp đỡ. Bởi vì ông còn có hai đứa con khác đang ngồi trong phòng bếp. 

Thì ra, vì lỡ tay tát tôi khiến hôm đó cha mất ngủ tự trách cả đêm. Cha thề sẽ không bao giờ chạm đến tôi, dù chỉ là một lóng tay. 

Thì ra, những cuốn sách ngày xưa là do cha đi xin và đi xây sửa tường cho người ta mới đổi được. Vì tôi cứ tỏ ra xa cách, cha đành giả bộ vô tình đánh rơi. 

Thì ra, cha vì muốn biết tất cả về tôi, nên nhiều lần nghe lén mẹ con tôi trò chuyện. Chén rễ cỏ tranh chữa hết bệnh cho tôi là do cha đi đào bới từng góc ruộng mới có được. 

Thì ra, không phải vì không hợp khí hậu, mà vì cha lo cho tôi. 

Thì ra, khi phát hiện mấy thứ đồ sắp hết hạn, cha liền giả bộ như có người nhờ mua, nhưng sự thật là cha mang đi vứt. Cha không trách tôi, không muốn làm tôi tự ái, cũng không muốn làm hại người tiêu dùng. 

Thì ra, bạn của cha bị liệt nằm trên giường, cần mướn hộ lý. Một người ưa sạch sẽ, hồi trẻ cả ngày cầm bay trét hồ nhưng không hề dính một giọt nước bùn nào trên áo, lại chịu nhận cái việc vớ vẩn này, chỉ vì muốn kiếm thêm mấy đồng bạc. Mà nghe mẹ kể, cha đã góp được gần đủ mười vạn, muốn giúp tôi giảm bớt áp lực. 

Thì ra, mẹ vốn đã muốn nói hết cho tôi, nhưng cha cản lại. Cha bảo tôi lớn rồi sẽ hiểu thôi, và ông luôn chờ tôi trưởng thành. 

Thì ra, tình yêu luôn tồn tại quanh ta. Tình yêu của cha đối với con cái, sẽ không bởi vì bản thân vất vả mà bỏ cuộc, không bởi vì con gái hiểu lầm mà mất đi. Còn tôi lại chính là một kẻ bạc bẽo vô tình. Nhiều năm như vậy, tôi thậm chí còn chưa nhìn thẳng mặt cha một lần. Tôi tự che mắt tôi lại, tôi tự buộc tội cha, đâu hay biết tôi đã làm tổn thương cha ra sao. 



... 




Tôi muốn mang vài thứ đi thăm cha, nhưng loay hoay một hồi, tôi nhận ra bản thân chẳng hiểu gì về cha hết, không biết cha thích ăn gì, không biết cả size quần áo của cha... Cuối cùng, nhờ mẹ chỉ, tôi mua móng heo hầm cha thích ăn, mua rượu cất cha thích uống, trở về nhà. Lúc này, cha đang ngồi ở gốc tường lặt rau. Tôi bỗng phát hiện tóc cha đã điểm sương, và bóng lưng của cha cô độc quá. Thì ra, cha đã già như thế mà tôi vô tâm chẳng hề để ý... 

Cha ơi, xin hãy tha thứ cho con vì bây giờ mới hiểu được cha. Chỉ mong chữ hiếu này không đến quá muộn.

0 nhận xét :

Đăng nhận xét