on 18 tháng 3, 2013

NHIẾP CHÍNH VƯƠNG, THUỘC HẠ SỢ !!!

Cẩm Ảnh | Khuyên








CHƯƠNG 7 + 8: BÁI KIẾN NHIẾP CHÍNH VƯƠNG


Hà Thanh Quân và Liễu Thanh Phi gió bụi đường xa trở về nơi một năm trước đã ra đi, kinh thành An Lạc. Vẫn phồn hoa, vẫn náo nhiệt, vẫn thân quen và vẫn sừng sững ngạo nghễ như trước.

Liễu Thanh Phi trực tiếp dẫn cô vào cung yết kiến Nhiếp Chính Vương.

Trong lúc đứng chờ ngoài cửa thư phòng, Hà Thanh Quân nhanh chóng điểm lại trong đầu các sự tích liên quan đến Nhiếp Chính Vương.

Nhiếp Chính Vương Lệnh Hồ Bác, hai mươi sáu tuổi, tên tuổi lẫy lừng như sấm bên tai, là vị Lục vương gia thích hành hiệp giang hồ. Tiên hoàng trước khi băng hà đột nhiên tuyên cáo thiên hạ, muốn truyền ngôi cho Lục vương gia. Cũng không biết vì nguyên nhân gì, Lục vương gia sống chết không chịu nhận, tiên đế không còn cách nào khác, bèn truyền ngôi cho cậu con trai lớn mười tuổi, phong Lục vương gia là Nhiếp Chính Vương.

Nửa năm sau khi tiên đế băng hà, phàm là phụ nữ đều bị hắn bắt ra khỏi cung.

Thân mẫu của tiểu hoàng đế, Thái hậu nương nương, vốn là ở trong cung chăm sóc con nhỏ, lại bị Nhiếp Chính Vương lấy danh nghĩa tị hiềm đưa sang ở nhà của anh trai, ăn uống tiện nghi giống y trong cung, chia cách mẹ con người ta.

Nghĩ đến đây, Hà Thanh Quân bĩu môi, Nhiếp Chính Vương đem toàn bộ nữ nhân của tiên hoàng đuổi đi không còn một mống, bản thân thì chuyển vào hoàng cung. Lạ lùng ở chỗ, dù là lúc trước hay sau này khi đã vào cung, không hề thu nạp phi thiếp, nghe nói ngay cả nữ nhân thị tẩm cũng không có... Ôi dào, nam nhân thị tẩm cũng có đâu.

Bên ngoài lưu truyền câu nói, Nhiếp Chính Vương có lẽ bị đoạn tụ (1), thế nhưng rõ ràng Nhiếp Chính Vương rất giữ lễ với quần thần, không giống với đoạn tụ.

Lại có lời đồn Nhiếp Chính Vương không thể giao hoan (2). Nhiếp Chính Vương nghe xong chỉ mỉm cười, không để ý, tin đồn cũng dần dần lắng xuống.

Ngược lại, các thiên kim quận chúa nhà vương tôn quý tộc trong Nam Uyển lại vô cùng sùng bái ngưỡng mộ hắn, luôn tin tưởng hắn biết cách giữ mình trong sạch.

Cô chép miệng, con cháu hoàng gia mà biết giữ mình mới là lạ đấy! Lúc họ mười ba, mười bốn tuổi đã có thị nữ hầu ngủ, huống chi là vị vương gia hai mươi sáu tuổi này, bên người lại không có phụ nữ. Cô thà tin là hắn mắc bệnh kín hơn!

Vừa nghĩ đến đó, cô đã che miệng cười thật nham nhở.

Liễu Thanh Phi vội vàng bước ra, nói: “Nhiếp Chính Vương bảo muội vào kìa.”

Hà Thanh Quân gật đầu ừ một tiếng, thấy nghĩa huynh không đi theo, mà đứng chờ ngoài cửa, bàn tay sờ sáo ngọc, khẽ cười, Nhiếp Chính Vương muốn thị uy đây mà!

Thu liễm khí tức, chỉnh lại y phục, cúi đầu đi vào.

Khóe mắt liếc thấy một chiếc mãng bào (3)  màu vàng đang ngồi ngay ngắn nơi bàn đọc sách, khí thế bức người, bộ dáng không rõ lắm.

Cô vén áo thi lễ: “Dân nữ Hà Thanh Quân khấu kiến Nhiếp Chính Vương thiên tuế!”

Nhiếp Chính Vương không lên tiếng, Hà Thanh Quân vẫn cứ thế duy trì tư thế quỳ gối, cảm giác ánh mắt sắc bén của Nhiếp Chính Vương đảo qua đảo lại trên người, bất giác ớn lạnh cả xương sống.

Hồi lâu, mới nghe thấy người ở trên cao nói vọng xuống: “Đứng lên đi!” Giọng nói lãnh đạm, nhưng vô cùng mạnh mẽ trầm ổn, không giận mà uy.

Cô, Hà Thanh Quân hai mươi tuổi, xưa nay không sợ trời không sợ đất, giờ phút này đột nhiên sinh ra một cảm giác sợ hãi khó hiểu.

“Ngẩng đầu lên!”

Hà Thanh Quân mắng thầm trong bụng, lời gì đâu mà... khụ khụ, may là cô biết bản thân mình đến đây là để bảo vệ Nhiếp Chính Vương, bằng không chắc chắn sẽ cho là Nhiếp Chính Vương đại nhân đang tuyển phi, muốn nhìn dung mạo...

Ngẩng đầu lên – cảnh diễn kinh điển của các cô gái.

Cô chậm rãi ngẩng đầu, môi mỉm cười, muốn tạo ấn tượng tốt nhất với ông chủ.

Khi ánh mắt chạm mặt Nhiếp Chính Vương, có chút ngớ ra, trái tim đập đầy phấn khích: Đây chính là Nhiếp Chính Vương?! Có phải là người sống không vậy? Hề hề, kinh thành quả là nơi sản sinh ra các mỹ nhân, ngay cả Nhiếp Chính Vương lãnh khốc quyền lực cao cao tại thượng cũng đẹp đến nỗi người và thần cùng căm phẫn như vậy!

Chỉ thấy chàng trai đang ngồi ở đó, gương mặt tuấn tú tuy rằng không thể so với kinh thành đệ nhất mỹ nam Bạch Dật Dương, nhưng lại hơn ở khí chất, mắt sao mày kiếm, mũi cao môi mỏng, da mặt mướt mát không tỳ vết, so với con gái chỉ hơn chứ không kém, lại có tướng giàu sang, trầm ổn thâm sâu, lại có loại phóng túng không kiềm chế được, cả người tản ra khí tức vừa mâu thuẫn vừa hòa hợp.

Đàn ông thế này là hấp dẫn con gái nhất, may là cô đã là phụ nữ từng trải, đáy lòng không khỏi run lên.

A Di Đà Phật, sắc tức thị không, không tức thị sắc!

Lệnh Hồ Bác cũng ngẩn người ra.

Cô gái này, hắn cũng từng biết đến tên, Một năm trước, hãy còn là vợ của Đô úy Bạch Dật Dương. Nghe nói bởi vì thành thân hai năm không sinh được mụn con nào, Bạch Đô úy phụng lệnh mẫu thân dùng lễ tiết khi cưới chính thê để cưới con gái của Kỷ thị lang. Cô gái này trước đêm hôn lễ tự nguyện xin ly hôn, bởi vì Bạch Đô úy là vị quan đầu tiên trong triều ly dị vợ, cho nên chuyện này ầm ĩ khắp kinh thành một thời gian dài.

Hắn vô cùng bội phục dũng khí không sống cảnh chồng chung của cô, có điều trong tiềm thức vẫn cảm thấy người bị chồng bỏ đáng lý nên sầu đau mới phải, đằng này lại thấy cô mặt mày tươi tắn, khóe miệng tươi cười, đôi mắt lấp lánh ánh lên tia nhìn nghịch ngợm, có thấy đau khổ tiều tụy gì đâu.

“Hà Thanh Quân... là Hà Thanh Quân của Bạch gia à?” Giọng bình thường, nhưng nhàn nhạt và mang ý thăm dò, khiến lòng người thoáng run.

Hà Thanh Quân đứng hình. Gã Nhiếp Chính Vương này thật đáng ghét, vừa mở miệng đã chặn họng người ta rồi.

Bèn mỉm cười hành lễ: “Nhiếp Chính Vương bận rộn chính sự, không ngờ lại nhớ rõ Bạch gia từng có một Hà Thanh Quân. Thật đúng là may mắn của Hà Thanh Quân, chỉ là, hị hị, thật ngại quá, người ở trước mặt Nhiếp Chính Vương đây, là Hà Thanh Quân của Hà gia, Hà Thanh Quân của Nhạc Sơn.”

Trong con ngươi thâm thúy u tối của Lệnh Hồ Bác tựa hồ toát lên ý cười. Hắn nhìn cô nói: “Cũng phải! Nghe nói Hà Thanh Quân ở Bạch gia hai năm không sinh hạ nhi tử, lại còn đố kị với bình thê...”

Hà Thanh Quân âm thầm khinh bỉ. Gã Nhiếp Chính Vương này là cố tình muốn gây khó dễ cho cô mà! Trong bụng lầm bầm chửi rủa hắn một trăm lần, trên mặt vẫn cười tươi như cũ: “Sinh con hay không, tự bản thân cô ấy biết, không cần giải thích với người ngoài. Còn đố kị ư, aiii, thế nhân chỉ biết nói người nữ ấy đố kị, lại không thấy Bạch gia công tử bội tín. Mọi chuyện đều có nhân quả của nó, đúng sai thế nào, người ngoài làm sao biết được?”

Dừng lại một chút, rồi nói tiếp: “Nếu không hợp, sao không nhường cho người mới. Nhiếp Chính Vương muốn có hộ vệ tài giỏi, ừm, thật may là làm hộ vệ không cần sinh con, nếu không mang theo cơ thể nặng nề bay nhảy chiến đấu, thì không tiện đâu.” Lời này của cô pha chút dí dỏm.

Lệnh Hồ Bác: “...” Ý cười trong mắt tựa hồ càng đậm.

“Hà cô nương, cô nói mình có tài gì nào?”

Hà Thanh Quân nghe thấy hắn gọi mình là “Hà cô nương”, mỉm cười nhẹ nhõm. Điều này thể hiện hắn ít nhất đã công nhận Hà Thanh Quân cô đây. Nghĩ lại Nhiếp Chính Vương chắc là cũng có băn khoăn của mình. Hoàng thất dùng người, xưa nay đều chú trọng chọn người gia thế trong sạch, trung thành kiên tâm, bây giờ để một ả đàn bà đã ly dị chồng làm hộ vệ thật là trường hợp trước nay chưa từng có, lỡ bị oán hận sâu nặng trong lòng làm hỏng đại sự, thì không phải tạ tội bằng cái chết là có thể giải quyết được.

“Dân nữ thô tục, chỉ thạo múa kiếm huy côn, am hiểu trận pháp.”

Trong mắt Lệnh Hồ Bác lóe lên một tia khó hiểu. “Còn gì nữa?”

Hà Thanh Quân cụp mắt tránh né, không muốn nói đến chuyện tìm mỏ.

Lệnh Hồ Bác cũng không ép, chuyển đề tài, “Có giỏi những chuyện con gái thường làm không?”

Hà Thanh Quân ngớ ra, cau mày nghĩ ngợi.

Lệnh Hồ Bác khá bất ngờ, không nhịn được lên tiếng nhắc nhở: “Ví như cầm kỳ thi họa, phẩm trà, ca múa, hay là thêu thùa may vá?”

Hà Thanh Quân lắc đầu liên tục.

“Nhiếp Chính Vương tuyển là tuyển hộ vệ cận thân, chứ không phải tuyển vợ đâu ha?”

Lệnh Hồ Bác đầu tiên là ngẩn ra, lập tức khôi phục như cũ, khóe mắt lấp lánh ý cười. “Đúng vậy, nhưng nếu thỉnh thoảng bổn vương xuất cung, bên cạnh là nữ hộ vệ, lại không thể làm một số chuyện của nha hoàn, khó tránh khỏi có chút tiếc nuối.”

Hà Thanh Quân ra vẻ như đã hiểu, trịnh trọng nói: “Có lẽ Nhiếp Chính Vương cần phụ nữ, chứ không phải hộ vệ đâu...” Dừng một chút, thốt lên đầy nghiêm túc: “Nhiếp Chính Vương, hãy cứ xem thuộc hạ là nam nhân vậy.”

Lệnh Hồ Bác khóe mắt giật giật. Thân ảnh cao dài chợt phóng lên cao, tay phải làm trảo, vươn về hướng cổ họng cô.




---------------





1.  Đoạn tụ: chỉ thích người cùng giới
2.  Giao hoan: làm chuyện nam nữ
3.  Mãng bào: Long bào là áo của vua thêu hình rồng; còn mãng bào là áo của hoàng tử, vương gia, thêu biểu tượng mãng xà hóa rồng, có chín rồng bốn móng. Xem hình.
on 7 tháng 3, 2013



Mi Lan Trì

Tác giả Lam Liên Hoa
Dịch Bướm Mùa Đông
Chỉnh Khuyên


*Đặc biệt cảm ơn chị Khuê Trần đã gỡ giúp em đoạn khó XD*






Chương 2: Biệt ly • Mộ Dung Lan


Đã qua giờ Tý, huyết sắc nồng đậm phản chiếu dưới ánh trăng bàng bạc.

Hôm nay là mồng Mười tháng Chín, là ngày chia tay của tôi và Mi.

Tôi muốn cùng em ngồi cạnh nhau trong vườn, tựa đầu ngắm ánh sáng xanh nhạt của đom đóm mờ xa. Hương hoa tử đằng thoang thoảng rơi trên vạt áo, có lúc lặng yên, có khi rào rạt.

Chúng tôi sẽ uống trà hoặc là rượu. Chúng tôi trò chuyện cùng nhau, hoặc có lẽ không nói gì cả. Em sẽ nài tôi thổi sáo, hoặc là tự mình hát lên.

Nụ cười của em trong trẻo tươi sáng, không hề vương nét sầu lụy bi thương.

Thế nhưng tôi lại không có mặt ở vườn hoang của chúng tôi, mà đang ở trên núi Lạc Mai cách xa mười dặm.

Máu chảy khắp người tôi, máu tràn hai tay tôi. Mũi kiếm còn loang máu sau lưng lạnh lẽo dị thường.

Nhân mã của Trì gia đã tập hợp đầy đủ, người chết người bị thương đều được đưa đi. Tổng quản Trì gia, Trì Lạc Ảnh, bước đến chỗ tôi, cung kính chắp tay mỉm cười: “Trì mỗ may mắn không làm nhục sứ mệnh, xin cáo từ.”

Tôi nhìn gương mặt ôn hòa của ông ta dưới ánh trăng, giết người vô số nhưng y phục không hề dính máu, cũng lặng lẽ vái chào.

Thủ hạ của tôi nặng nề lê bước thu dọn thi thể. Vũng máu loang lổ trên mặt đất phảng phất như có linh hồn, rên rỉ những tiếng oán than dưới chân bọn họ. Chỉ có những thi thể chảy cạn máu kia là không có âm thanh cũng không có hơi thở. Chúng nằm đó, bị kéo lê hoặc mang đi, cuối cùng là bị vứt xuống vực sâu vạn trượng trong tiếng gió hú thê lương.

Tôi nhìn thấy một thiếu niên nắm cánh tay trái của một thi thể để kéo đi, đột nhiên cánh tay đứt ra khỏi người. Thiếu niên nắm chặt lấy cánh tay đó ngồi phịch xuống đất, trong khoảnh khắc nó chưa kịp nhận biết chuyện gì đã xảy ra, thần thái mơ hồ. Sau đó, nó vứt cánh tay bầy nhầy máu thịt đó đi, bắt đầu nôn mửa và khóc.

Không ai để ý đến sự sụp đổ bất ngờ của thiếu niên đó, chỉ có tôi đi về phía nó, vì tôi nhớ ra cha nó, tiêu sư của Kim An tiêu cục, Trương Toàn. Ba năm trước, Trương Toàn đưa Trương Quảng Nghĩa đến Mộ Dung phủ, lúc rời đi thì gặp mặt tôi ở trước hiên, đại hán hào hùng đột nhiên rơi nước mắt, nhờ tôi chăm sóc cho con trai ông. Không lâu sau thì có tin truyền ra là ông đã chết trong một chuyến áp tiêu.

Tôi không rõ những năm tháng trước đây tôi có được tính là đã chăm sóc tốt cho Trương Quảng Nghĩa không, nhưng tôi cho rằng ít nhất trong giờ phút này tôi đã đặt tay lên vai nó, nói cho nó biết không phải lần giết người nào cũng đáng sợ như lần đầu.

Một đám mây đen lướt qua ánh trăng, trước mắt tôi đột nhiên tối sầm, bỗng một luồng sáng lóe lên trước mặt. Tôi đột nhiên hiểu rõ chuyện gì xảy ra, tôi giơ kiếm lên, chém xuống không hề do dự. Nhưng, đã muộn.

Một thanh đao cắm sâu vào ngực Trương Quảng Nghĩa, cánh tay cầm đao đã bị tôi chặt đứt, nhưng nó vẫn nắm chắc không buông, lủng lẳng ở chuôi đao.

Chủ nhân của cánh tay đó giờ thực sự trở thành một xác chết. Cánh tay trái của hắn bị người ta chặt, đứt lìa khỏi cơ thể khi Trương Quảng Nghĩa dùng sức nắm kéo. Cơn đau làm hắn tỉnh dậy, dùng toàn lực đâm kẻ thù đầu tiên hắn nhìn thấy. Sau đó, hắn mới thật sự chết đi, có lẽ là trước cả khi tôi chặt tay phải của hắn.

Thủ hạ của tôi tụ tập lại, loạn đao phân thây hắn.

Nhưng chúng tôi không cứu được Trương Quảng Nghĩa. Trên mặt nó còn vương nét bàng hoàng, ánh mắt đã dần thất tán.

Tôi ôm chặt lấy thiếu niên sắp chết, cảm thấy cơ thể của mình run rẩy dữ dội. Tôi dường như cảm thấy người bị trúng đao đó là tôi… ngay cả khi phải trả cái giá rất đắt, ngay cả khi tôi đã dùng hết khả năng có thể, tôi vẫn không cách nào bảo vệ được những người tôi muốn bảo vệ, thủ hạ của tôi, người nhà của tôi, còn có… Mi.

Đêm hôm đó, tôi trực tiếp đến nơi ở của Mi.

Cửa không khóa, em không có ở đó. Tôi biết em nhất định đang ở trong khu vườn của chúng tôi.

Quả nhiên em đang ngủ trong đình, cuộn tròn lại ngủ y hệt như đứa bé tôi gặp lần đầu tiên vào mười hai năm trước.

Tôi cởi áo ngoài khoác lên người em.

Trong khoảnh khắc tôi chợt thấy lơ đãng, phảng phất như mới ngày hôm qua, tôi đã hứa với người đàn ông đó, tôi sẽ chăm sóc cho Mi, em gái của tôi.

Nhưng, đó là mười hai năm trước.

Mười hai năm trước, em năm tuổi, còn tôi mười một.

Cũng vào mùa thu, buổi đêm, tôi lặng lẽ vào vườn, tuy rằng tôi được lệnh của cha phải chuyển ra khỏi đó, nhưng tôi vẫn không nỡ rời xa.

Đêm đó trăng thanh gió mát, cho nên tôi thấy rất rõ ràng một người đàn ông trẻ tuổi tiến vào khu vườn. Anh ta ẵm một cô bé cong người lại như đang ngủ say.

Tôi còn nhớ hình dáng của người đàn ông đó, bóng lưng dường như cũng vương vấn nỗi buồn, đến cái phất tay áo cũng ôn hòa.

Anh ta ôm đứa bé gái, chỉ lên những ngôi sao trên trời cho cô bé xem.

Đôi mắt của cô bé còn sáng hơn sao.

Tôi ngồi trong bụi cỏ im lặng nhìn bọn họ. Tôi nghe anh ta gạt bé gái, bảo là mẹ của bé biến thành sao trên trời. Bà sẽ luôn dõi theo Mi, bà hi vọng Mi sống vui vẻ.

Tôi biết anh ta đang gạt đứa bé tên là Mi ấy, tôi biết mẹ của Mi nhất định cũng mất sớm như mẹ của tôi. Cha tôi chưa bao giờ gạt tôi như vậy, cho nên tôi biết anh ta đang gạt đứa bé.

Tuy nhiên cô bé không hề biết.

“Nếu như mẹ muốn con sống vui vẻ, con nhất định sẽ sống vui vẻ.”

Giọng nói kiên định mang vẻ ngây thơ nhất mà tôi từng được nghe.

“Hơn nữa,” cô bé quay mặt nhìn anh ta, “Mẫu thân đối với thúc thúc cũng như vậy, cho nên thúc thúc cũng phải sống thật vui vẻ.”

Người đàn ông cúi đầu, tôi không nhìn thấy nét mặt của anh ta, nhưng tôi thấy tay anh ta khẽ run.

Vì vậy, tôi biết anh ta có thể lừa cô bé, nhưng vĩnh viễn cũng không lừa được chính bản thân mình.

Sau đó, người đàn ông bắt đầu lấy ra một cây tiêu, thổi một khúc nhạc tôi chưa bao giờ nghe thấy.

Tôi đã học thổi tiêu được ba năm, nhưng khi nghe tiếng tiêu ấy, tôi mới biết mình cơ bản không hề biết gì cả.

Tiếng tiêu hoang hoải lạnh lẽo xa xăm, như tiếng dế rả rích trong thềm cỏ xanh rêu, như tiếng mưa rơi tịch mịch trên đầm trống, một hồi lại ngỡ như sao sa trăng vỡ, réo rắt như tiếng suối nỉ non chảy giữa đêm dài nơi Thiên Sơn phủ đầy băng tuyết.

Khúc nhạc cứ du dương trong đầu. Tôi thậm chí còn không phát hiện tiếng tiêu đã ngưng tự bao giờ.

Lúc tôi ngẩng đầu lên, đã thấy người đàn ông ôm bé gái đứng trước mặt.

“Cậu là ca ca của Mi?” Anh ta khẽ khàng hỏi tôi.

Tôi nhìn gương mặt thánh thiện khi ngủ của cô bé, trong lòng bất giác dấy lên sự ấm áp.

“Phải, tôi là nhị ca của em ấy.”

“Nếu vậy, xin cậu hãy chăm sóc tốt cho nó.”

Vẻ mặt trịnh trọng giống như người đối diện không phải là một thiếu niên mười một tuổi. Tôi gật đầu không ngần ngại.

Tôi sẽ chăm sóc cho em, không chỉ vì em là em gái tôi, mà còn bởi vì đây là lần đầu tiên có người thật sự cần tôi quan tâm.

Người đàn ông mỉm cười. Lần này, nụ cười của anh ta không mang nhiều ưu tư.

“Ta là Phương Nhạn Dao,” Anh nói, “Là thúc thúc của Mi.”

Đây không phải là lần đầu tiên tôi nghe đến cái tên Phương Nhạn Dao. Người có chiêu kiếm “Nhẫm nhiễm tại y” (1) danh chấn giang hồ, bảy năm qua chưa từng có địch thủ, vì vậy mọi người đều gọi anh ta là “Nhẫm nhiễm tại y” Phương Nhạn Dao.

Nhưng tôi không biết rốt cuộc là thứ gì lần lữa trên y phục của anh ta, là nỗi bi thương chăng?

“Tôi đã nhớ bài hát của anh rồi,” Tôi nói, “Tôi sẽ thổi cho Mi nghe.”

Anh ta nhìn ống tiêu treo bên người tôi, ánh mắt khẽ lóe lên sự kinh ngạc và vui mừng. Sau đó, mục quang của anh trở nên ảm đạm.

“Đừng thổi cho nó nghe,” Anh nói, “Đó không phải là một khúc nhạc hay.”

Anh khẽ nghiêng đầu, dường như không muốn tôi nhìn thấy ánh mắt của anh.

“Đây là khúc nhạc ly biệt, ta đã từng thổi lúc chia tay một người.”

Tôi nghĩ đó cũng là khúc nhạc ly biệt của anh và Mi.

Bởi vì sau đêm đó chúng tôi không gặp lại Phương Nhạn Dao nữa.

Nhưng chúng tôi đều nhớ anh ta.

Không ai có thể quên một người như vậy, lúc cười đượm bi thương, lúc buồn lại thân thương, điềm tĩnh, nhẹ nhàng tỏa sáng.

Hôm nay là mồng Mười tháng Chín, là ngày chia tay của tôi và Mi.

Tôi ngồi xuống bậc thềm, tay cầm tiêu. Bắt đầu thổi khúc nhạc đã từng được nghe từ nhiều năm trước. Thật kì lạ, nhiều năm như vậy tôi vẫn còn nhớ rõ âm luật!

“Đây là khúc nhạc biệt ly.” Phương Nhạn Dao từng nói.

Hoặc giả, tôi nghe qua khúc nhạc này, nhớ kỹ khúc nhạc này, đều chỉ vì cuộc chia tay ngày hôm nay.

Mi không biết tỉnh từ lúc nào, ôm gối ngồi bên cạnh tôi.

“Đây là khúc nhạc thúc thúc đã thổi.” Em nói nhỏ.

Em ngẩng đầu ngắm nhìn bầu trời tờ mờ sáng và những ngôi sao dần lịm tắt.

“Đêm đó em nghe thấy tiếng tiêu.” Em nói, “Em biết là thúc thúc đang thổi tiêu ngoài sân.”

“Rất nhiều đêm thúc thúc thức trắng. Ông cứ ngồi im lìm như vậy cho đến khi trời sáng. Nhưng ông chưa bao giờ thổi tiêu, trừ buổi tối hôm đó.”

“Nghe tiếng tiêu ấy, không hiểu sao em lại bật khóc, em nằm trong chăn khóc đến run rẩy cả người, em nghĩ mẹ nhất định sẽ nhận ra em đang khóc. Sau đó, mẹ tự mình ngồi dậy. Em hoảng hồn, không dám nhúc nhích cuộn mình trong chăn. Nhưng mẹ không nói câu nào cả, bà chỉ từ tốn mặc y phục, chải đầu, rồi chậm rãi bước xuống giường. Mẹ không thể rời giường rất nhiều ngày rồi, nhưng đêm hôm ấy, bà đã tự mình đi ra ngoài sân.”

“Lúc bà mở cửa, tiếng tiêu bất chợt ngừng lại, chắc là thúc thúc ngạc nhiên khi trông thấy mẹ. Nhưng mẹ bảo ‘đừng ngừng lại’, cho nên thúc thúc lại thổi tiếp.”

“Em thấy mẹ có thể đi lại, trong lòng rất vui mừng, cảm thấy có lẽ bệnh của mẹ sắp khỏi rồi.”

“Lúc đó em mới năm tuổi, rất ngốc, không hoảng sợ nữa thì tính tò mò lại nổi lên. Em đến bên cửa sổ, chọt một lỗ nhỏ trên cánh cửa, đêm hôm đó trăng rất sáng, nên em có thể thấy rõ thúc thúc ngồi dưới giàn tử đằng, còn mẹ thì tựa đầu lên vai thúc thúc.”

“Em biết thúc thúc thích mẹ, bắt đầu từ ngày thúc thúc đột nhiên xuất hiện chăm sóc hai mẹ con. Mẹ luôn đối với thúc thúc rất hờ hững. Nhưng đêm đó khi mẹ ngả đầu vào vai thúc thúc, dáng vẻ dịu dàng như vậy, em mới hiểu thì ra người mà mẹ một mực chờ đợi không phải là cha em, mà là thúc thúc. Mẹ chắc chắn đã thích thúc thúc từ rất lâu rồi!”

“Em nhìn một lúc, bắt đầu cảm thấy lạnh, liền chui vào trong chăn. Tiếng tiêu vẫn cứ vang vọng, khiến em cảm thấy rất an tâm, sau đó mơ màng thiếp đi.”

“Lúc em tỉnh dậy, trời đã bừng sáng, nhưng tiếng tiêu vẫn hoài không dứt, mà mẹ vẫn chưa quay về. Một mình em nằm trên giường, phần chăn đệm bên phía mẹ đã trở nên lạnh lẽo. Em bỗng dưng cảm thấy sợ vô cùng, dường như đã có chuyện gì xảy ra lúc em đang ngủ.”

“Em bật dậy, mặc quần áo rồi gấp gáp chạy ra sân. Em nhìn thấy thúc thúc vẫn đang thổi tiêu, ông cứ thổi như vậy suốt cả một đêm. Em nhìn mẹ, mặt mẹ tựa vào vai thúc thúc, không hề động đậy.”

“Em từ từ tiến đến, ôm lấy mẹ. Cơ thể của bà đã lạnh như băng. Em muốn khóc, nhưng không sao khóc được.”

“Tiếng tiêu rốt cuộc cũng ngừng. Thúc thúc dang tay ra, ôm lấy em và mẹ.”

…. Mi không nói tiếp nữa, tôi giơ tay ôm em vào lòng.

Em chưa bao giờ nói những chuyện này với tôi, cũng như tôi chưa bao giờ nhắc đến mẹ mình trước mặt em.

Ly biệt khiến người ta thương cảm và yếu đuối. Bởi vì sắp mất thêm lần nữa, mới nghĩ đến những người hoặc những thứ đã mất từ rất lâu.

Thật ra tôi vẫn còn nhớ rõ mẹ mình, dù bà mất khi tôi chỉ mới ba tuổi.

Tôi nhớ bà đẹp lắm, làn da trắng tinh, đôi mắt sáng tinh anh, khi cười rạng rỡ đến lóa mắt. Bà cười nhiều nhất là lúc cha nhìn bà. Cha có lúc đối với bà rất tình cảm, nhưng sau này tôi mới biết ông không hề yêu bà.

Cha không yêu ai cả, cho dù là bốn bà vợ hay mấy đứa con trai con gái của mình. Tôi chưa từng thấy trong mắt ông sự dịu dàng và quyến luyến mà chỉ khi yêu ai đó mới có.

Tôi còn nhớ có một lần uống say, mẹ đã lay tôi dậy, bà khóc hỏi tôi, có phải là không có ai xứng với sự hoàn hảo của cha, cho nên ông mới không yêu ai cả?

Suốt đời này, tôi cũng không thể quên nét mặt của bà lúc đó. Rất lâu sau, tôi mới hiểu, thì ra tận cùng của yêu thương chính là tột cùng đau khổ.

Thế nhưng tôi lại yêu cha mình.

Ông ấy là cha tôi.

Tôi không có cách nào không yêu ông ấy.

Tôi làm hết khả năng của mình, chỉ hi vọng có thể xứng đáng là con trai ông.

Tôi hi vọng có một ngày ông có thể nhìn tôi một cái, vừa chuyên chú vừa thương yêu, không cần nói gì cả, tôi sẽ biết tôi là cục vàng trong lòng ông.

Tôi nỗ lực đọc sách, luyện kiếm, tôi học tất cả những gì tôi có thể học được.

Tôi quên ăn quên ngủ, ngày cũng như đêm, học thi từ ca phú, thư họa cầm kỳ, kiến trúc thiết kế, thiên văn y thuật.

Tôi khổ luyện khinh công gia truyền và thất đại kiếm pháp, tôi nghiền ngẫm tinh hoa kiếm pháp của ba mươi sáu môn phái mà tổ tiên đã sưu tầm chỉnh sửa, tôi đọc đi đọc lại các bộ đao pháp quyền thuật trên giang hồ. Thậm chí trong mơ tôi cũng nghĩ đến các chiêu thức.

Năm mười sáu tuổi, tôi đã sáng tạo ra vài chiêu kiếm khiến người phụ trách dạy dỗ chúng tôi là Tam thúc vô cùng tán thưởng. Một lát sau, cha gọi tôi đến, báo cho tôi biết việc ông đã ghi những chiêu thức đó vào bộ kiếm pháp mới của ông. Ngoài ra, từ bây giờ tôi có thể theo ông và đại ca hành tẩu giang hồ.

Cả đời này tôi chưa từng vui đến vậy, nếu như sau chừng ấy năm kiềm nén, tôi còn biết cách nhảy cẫng lên hoan hô, tôi nghĩ tôi nhất định sẽ làm như thế.

Tôi đi tìm Mi, chỉ có em mới hiểu được tôi vui thế nào. Tôi nhìn em hưng phấn bừng bừng nhảy cẫng lên, thay tôi biểu hiện nỗi vui sướng, ngay cả khi bản thân tôi chỉ biết nhẹ nhàng mỉm cười.

Mùa xuân năm ấy khu vườn phủ đầy sắc vàng của hoa liên kiều (2), sáng lạn rực rỡ tràn đầy ý xuân. Tôi thổi sáo cho Mi nghe, không thổi tiêu, bởi vì tiếng sáo trong lành vui tươi, như tâm tình của tôi.

Tôi dùng một ngày một đêm để vẽ lại bố cục khu vườn, tôi nghĩ sẽ có một ngày nào đó, tôi để cho phụ thân nhìn thấy khu vườn đã thiết kế lại của chúng tôi, như việc năm đó ông đã biến Hề Tú Viên trở thành một vườn cây nổi tiếng khắp Giang Nam.

Tôi thật sự cho rằng mộng tưởng cả đời tôi đang bắt đầu thành hiện thực.

Tôi đã trải qua một năm đầy mới mẻ và kinh ngạc ở giang hồ.

Tháng đầu tiên, tôi phát hiện kiếm pháp của tôi còn cao hơn so với tưởng tượng, tôi dễ dàng đánh bại đối thủ chỉ trong có một hoặc hai chiêu. Tháng thứ hai, tôi nghênh chiến với nhiều đối thủ lợi hại hơn, nhưng chỉ trong một vài chiêu, kiếm pháp của bọn họ bắt đầu lộ rõ sơ hở. Tháng thứ ba, sau khi tôi đánh bại địch thủ thứ mười lăm kể từ khi tôi bước vào giang hồ, tôi vẫn không hề đắc ý. Bởi vì thái độ hờ hững của phụ thân đã ám chỉ cho tôi biết, thân phận là con cháu nhà Mộ Dung đánh bại những đối thủ như thế này là chuyện đương nhiên. Sơ hở của đối thủ đã cảnh tỉnh tôi, tôi bắt đầu xem xét lại kiếm pháp của mình, sửa chữa mỗi khiếm khuyết có thể. Một năm đó, tôi thu hoạch không ít.

Năm thứ hai, đối thủ đầu tiên của tôi là thủ tịch đại đệ tử của Không Động phái, Tạ Uyên Đình.

Cha không cho phép tôi kể với bất kỳ ai về trận đấu này, bắt tôi tự mình bế môn luyện công.

Bảy ngày trước trận đấu, khi cha, đại ca và tôi vừa lên đường, cha nói giọng lạnh lùng, trận đấu này là lấy danh nghĩa của đại ca, Tạ Uyên Đình mới đồng ý ứng chiến. “Đến lúc đó, ngươi phải xuất hiện dưới thân phận của đại ca ngươi.”

Tôi đứng lại. Không hiểu gì cả.

Tôi chưa từng tranh chấp với cha, huống hồ chuyện kinh thiên động địa như thế này, muốn cãi cũng không biết cãi từ đâu.

Đại ca ở bên cạnh cười nhạt: “Sợ ta đoạt mất danh tiếng của ngươi à? Nhưng nếu ngươi thua, người phải chịu tai tiếng chính là ta đây.”

Tôi không nói gì.

Tôi dịch dung cải trang quyết chiến với Tạ Uyên Đình. Tôi với đại ca vốn dĩ tướng mạo tương đồng, lại thêm thuật dịch dung khiến cho càng khó phân biệt. Tạ Uyên Đình không hề nhìn ra sơ hở nào.

Tôi đánh bại Tạ Uyên Đình ở chiêu thứ tám, “Huyễn Vũ thập thất kiếm” đắc ý nhất của hắn chưa sử được một nửa.

Ngay khi tôi tưởng mọi chuyện đã kết thúc, thật ra lại mới chỉ là bắt đầu.

Mười một tháng tiếp đó, tôi thay đại ca đánh thắng mười hai địch thủ.

Bí mật của chúng tôi không một ai biết, ngay cả người nhà cũng không rõ, chứ đừng nói là người dưng.

Trưởng tử Mộ Dung Nguyên của Mộ Dung phủ từ đó danh nổi như cồn, trở thành một nhân vật ưu tú trong lớp hậu bối giang hồ. Còn thứ tử Mộ Dung Lan, đã không còn ai nhắc đến anh ta với những thắng lợi không đáng kể đến.

Lòng tôi giá lạnh.

Đến bây giờ, tôi mới biết tôi đang diễn vai gì.

Tôi không phải là Mộ Dung Lan, không phải là đứa con trai nào khác của ông ấy.

Tôi chỉ là cái bóng của Mộ Dung Nguyên.

Tôi chỉ là một cái bóng cầm kiếm.

Một cái bóng vô danh.

Nhưng tôi không hề tuyệt vọng.

Ít nhất thì cha biết, cha thấy, thắng lợi của tôi, trưởng thành của tôi.

Khi tôi thắng càng lúc càng nhiều địch thủ, sẽ có một ngày, ông tin tưởng tôi có thể đơn độc đối diện, có thể lúc đó, ông sẽ trả lại cái tên Mộ Dung Lan cho tôi. Còn về phần thiên hạ, họ chẳng liên quan gì với tôi cả. Tôi mà có muốn ai đó biết được những chiến công của mình, cũng chỉ vì một điều tôi muốn cha tự hào về tôi.

Tôi tự an ủi mình như thế.

Nhưng không khống chế được nỗi buồn lộ rõ qua hàng mi ủ rũ ngày qua ngày.

“Nhị ca, làm thế nào để anh thật sự vui vẻ đây?” Mi từng hỏi tôi như vậy.

Tôi không biết nên đáp thế nào.

Cuối cùng đành nói: “Có lẽ... là khi người anh quan tâm quan tâm lại anh.”

Nhưng rốt cuộc là chừng nào chứ?

Có lúc tôi cảm thấy ngày đó ở ngay trước mặt, giơ tay là chạm được. Có lúc lại thấy nó vĩnh viễn sẽ không hề diễn ra, mờ mịt không dám nghĩ tới.

Hai năm sau đó, đại ca càng có tư cách khiêu chiến các cao thủ hàng đầu, áp lực đối với tôi cũng ngày một tăng.

Tôi bắt đầu bị thương, có lúc thương tích không nhẹ, nhưng mỗi lần, tôi đều cố gắng đánh bại đối thủ, để không phụ sự kì vọng của cha và đại ca. Danh tiếng của đại ca lên như diều gặp gió, cơ hồ có thể sánh ngang hàng với ba đại cao thủ kiếm thuật trên giang hồ.

Cha vẫn lạnh nhạt với tôi.

Còn đại ca, tôi nhìn không thấu anh vui hay buồn.

Người cao ngạo như đại ca, đáng lẽ không thể nào chịu nổi cảnh tôi đội lốt lâu như vậy mới phải, nhưng đằng này anh không nói lời nào cả, hình như anh với cha có giao ước ngầm.

Tôi không hiểu hai người đó.

Thậm chí ngay cả bản thân mình, tôi cũng không hiểu.

Tôi không biết tôi làm như vậy rốt cuộc là để mong ngóng điều gì nữa.

Ngoài việc lần lượt tham gia quyết đấu, tôi không nhìn thấy tiền đồ và tương lai của mình ở đâu cả.

Nửa đêm tỉnh giấc, người đầy mồ hôi lạnh, sợ hãi và trống rỗng cùng cực, bởi vì tôi nhìn thấy chính mình mập mờ trong mộng, thậm chí còn không thốt ra được tên của bản thân. Tôi như nhìn thấy vận mệnh không thể nào thay đổi của mình. Tôi vô cùng sợ hãi giấc mơ đó sẽ thành hiện thực.

Trận chiến quan trọng nhất tôi thay đại ca ra trận là vào mùa thu năm tôi hai mươi tuổi.

Khiêu chiến chưởng môn Võ Đang, Tùng Nham đạo trưởng, đứng đầu tam đại cao thủ kiếm pháp đương thời.

Tôi không nắm chắc một chút nào.

Không ai không biết tuyệt chiêu “Vạn Hác Tùng Đào” của Tùng Nham đạo trưởng uy lực kinh người, đã ra tay là khó thu về được. Xuất thủ bốn lần, không một người sống sót.

Tôi không dám đảm bảo mình sẽ là người đầu tiên sống sót dưới tuyệt chiêu đó.

Ba ngày trước cuộc chiến, tôi luôn ở bên Mi, giống như chúng tôi sẽ chia tay vĩnh viễn vậy.

Tôi chỉ cần từ biệt với em là đủ, vì trừ em ra, không người nào quan tâm đến sống chết của tôi.

Lúc chúng tôi đi, Mi chạy theo đưa tiễn.

Em không hề biết mai này đây, em có thể sẽ không còn gặp lại nhị ca nữa.

Trên đỉnh Võ Đang.

Mười cao thủ đứng đầu võ lâm đến xem trận đấu.

Dưới chân núi là hằng hà vô số đệ tử Võ Đang và nhân sĩ võ lâm háo hức đợi tin.

Tôi và Tùng Nham đạo trưởng kịch chiến năm trăm chiêu.

Đánh từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn, mưa rơi rồi mưa tạnh, nhưng ông vẫn chưa thi triển “Vạn Hác Tùng Đào”.

Tôi tập trung toàn bộ tinh thần, đến lúc ông ta la lên “Cẩn thận!” rồi xuất chiêu, tôi mới biết dù cho có đề phòng ra sao, cũng chỉ là vô ích.

Một kiếm kia phảng phất như cuồng phong réo gọi, tiếng gió ầm ầm tựa như vọng về từ ngàn vạn hang hóc âm u mịt mù đập vào mặt.

Một kiếm thi ra trong tích tắc nhưng ẩn chứa vô số đường kiếm, như sóng dữ cuồn cuộn vọt tới. Không có đường lui, không thể chống đỡ, thế như chẻ tre, không còn đường sống!

Trong ánh chớp lóe lên, ông nhẹ nhàng điểm mũi kiếm vào bên ngực phải của tôi.

Tôi cố gắng né, nhưng vẫn trúng thêm hai kiếm nữa.

Gió núi nổi lên, tôi cơ hồ đứng không vững. Trong khoảnh khắc, linh quang hiện lên, tôi không kịp nghĩ nhiều, vận hết sức lực, không nhìn bóng kiếm, trực tiếp vung gươm đâm vào cổ tay ông ta.

“Vạn Hác Tùng Đào” bất chợt bặt tăm tích.

Tôi trở về từ cõi chết, khí huyết dâng trào. Ngẩng đầu, thấy Tùng Nham đạo trưởng mặt xám như tro.

“Làm sao, làm sao ngươi phá được?”

“Cây lặng tất gió dừng.” Tôi nói, “Tay của ông che lại thế gió.”

Tùng Nham đạo trưởng ngửa mặt lên trời cười lớn, vất đi thanh kiếm trong tay, “Ban đầu ta thương tiếc nhân tài, không muốn thấy ngươi chết dưới tuyệt chiêu của ta. Đáng tiếc nhất thời háo thắng, cuối cùng nhịn không được xuất thủ, đúng là tự chuốc lấy nhục, tự chuốc lấy nhục!”

“Thắng bại chưa định, đạo trưởng sao lại nói thế?”

Ông ta lắc đầu than: “Tuyệt chiêu đã bị người phá, còn mặt mũi nào đánh tiếp đây?”

Quay lưng bước đi, đột nhiên xoay người lại, “Công tử tư chất phi phàm, trên con đường kiếm thuật tiền đồ vô lượng, năm năm sau nhất định không có địch thủ. Bảo trọng!”

Tôi biết ông muốn tôi bảo trọng, là muốn tôi sớm ngày chữa trị ba vết thương trên người.

Ba kiếm đó nhanh đến mức khiến người ta chưa kịp cảm giác, miệng vết thương lại sâu. Máu chảy rất nhiều, chỉ vì mặc hắc y nên không thấy vết máu.

Nhưng tôi chưa thể rời đi như vậy, tôi vẫn còn chưa diễn xong vai của mình.

Cha dìu tôi đứng hàn huyên với những người tiến lên chúc mừng ca tụng. Cứ như vậy nửa giờ sau mới có thể thoát thân trở về quán trọ, mệt lả cả người.

Quần áo đẫm máu. Mất máu quá nhiều khiến cho tôi đau đầu hoa mắt.

Tôi tự lấy nước nóng, xử lý vết thương, thay y phục. Đang trong lúc thu dọn thì có người gõ cửa.

Tôi mở cửa. Là cha.

Ông hờ hững nhìn căn phòng bề bộn, nhưng chỉ nói, “Tiệc mừng công tối nay nhớ tới.”

Tôi chết lặng.

Ông rõ ràng thấy tôi đang bị thương, rõ ràng biết tôi bị thương, nhưng một câu hỏi thăm tôi bị thương như thế nào ông cũng không nói.

Điều ông quan tâm chỉ là, tôi, thân là đệ đệ của Mộ Dung Nguyên, không thể nào không có mặt để chúc mừng. Ông nhắc nhở tôi dù cho đã diễn xong vai diễn của đại ca rồi, tôi vẫn phải diễn vai của chính mình.

“Con sẽ không làm hỏng việc.” Tôi nói. “Xin hãy yên tâm!”

Đêm đó, tôi kính rượu cha, kính rượu đại ca, và kính rượu rất nhiều người.

Tôi biết rõ bản thân bị thương không nên uống rượu, thế nhưng tôi lại muốn say.

Nhưng cái bộ dạng buồn bã này của tôi, nốc mấy cũng không say được.

Tôi nên vui mới phải, bởi vì tôi nghe nhiều người ca ngợi một kiếm kia của tôi.

Nhưng thế thì sao? Cho dù tôi có phá giải được hết các tuyệt chiêu trên đời, tôi cũng không được cha thích, không, nói gì đến thích chứ, ngay cả một chút quan tâm còn không có. Tôi dựa vào đâu để vui? Dựa vào đâu để vui chứ?

Đêm đó, tôi không say. Tôi chỉ bị sốt.

Suốt ba ngày về, cơn sốt vẫn không thuyên giảm.

Tay chân tôi lạnh cóng, nhưng nội tâm và cơ thể thì nóng như bị lửa đốt.

Tôi không tin cha không nhận ra tôi có gì bất thường, trừ khi ông không hề để ý đến tôi, trừ khi ông cố tình bỏ qua.

Lúc đó, tôi mới nhận thấy bản thân mình thật nực cười.

Nực cười làm sao, một kẻ chiến đấu lừa mình dối người. Hắn một mực cho rằng chỉ cần hắn đánh thắng càng nhiều đối thủ mạnh, sẽ có một ngày hắn trở về với thân phận của mình. Hắn thậm chí còn mơ hồ tin rằng chiến thắng trước Tùng Nham đạo trưởng chính là cơ hội thay đổi cả đời hắn.

Nhưng hắn đã hoàn toàn sai rồi.

Càng thắng nhiều người, hắn càng không cách nào thoát thân. Giống như một cây kiếm, càng chiến càng vô địch, chém sắt như bùn, chủ nhân của nó khẳng định sẽ không buông nó ra.

Ngay cả một chuôi kiếm, thỉnh thoảng còn được lau chùi, được nâng niu trân trọng.

Còn tôi, biết bao nhiêu lần sinh tử trước mắt, thương nặng thương nhẹ, nhưng cha chưa bao giờ hỏi han tiếng nào.

Ông cũng có lúc quan tâm đến tôi, nhưng chỉ là vì thắng bại của tôi. Còn về phần tôi sống hay chết, ông thậm chí còn không nhíu mày một lần. Ông luôn bàng quan, lạnh lùng, thờ ơ, vô cảm, mặc tôi tự sinh tự diệt, tự đau tự lành.

Tôi nhớ lại niềm vui vô hạn của thuở thiếu niên mười sáu tuổi, mỉm cười thổi sáo bên sắc hoa vàng mênh mang, vỏn vẹn bốn năm, giật mình ngỡ như đã hết một đời người. Nhưng hắn trong kí ức tôi như bức họa còn tươi màu mực, vĩnh viễn không thể quên. Tuy rằng hắn rất ngây thơ, ngây thơ đến độ vừa đáng thương vừa hoang đường, nhưng hắn đã mang đến cho cuộc đời này của tôi niềm hạnh phúc vui mừng chưa từng có. Giây phút hạnh phúc ngắn ngủi trong cuộc đời tôi đã chắp cánh bay xa, mãi mãi không quay trở lại.

Gia đình chờ đón chúng tôi bằng một bữa tiệc mừng khác.

Tôi không cần cha nhắc nhở cũng tự biết nên ngồi ở đâu.

Tôi uống mê mải, không say cũng tốt, ít ra còn có hi vọng say.

Đột nhiên, một chiếc đũa trúc bay đến đâm vỡ ly rượu của tôi.

Một giọng nói lạnh lùng vang lên. “Một người u sầu, mọi người mất vui. Nếu không có hứng ngồi nữa, thì về phòng đi.”

Tôi không ngẩng đầu. Vì không cần thiết.

Vốn tưởng rằng tâm đã chết, hiện tại mới biết không phải. Tâm đã chết không đau đến nỗi tôi cảm thấy như nó lại chết lần nữa.

Mảnh vỡ ly rượu cắt vào tay, bàn tay run rẩy giấu trong tay áo, chậm rãi đứng lên.

Tôi bước ra khỏi đại sảnh. Trong ánh nhìn chăm chăm của bao người.

Những ánh mắt khác lạ đó không mảy may làm tổn thương tôi, vì tôi đã bị thương đến tận xương tủy.

Tôi đến phòng bếp, ôm lấy hai vò rượu.

Đến khu vườn của chúng tôi.

Sau đó, Mi cũng đến. Mi của tôi.

Em uống cùng tôi.

Em buồn cùng tôi.

Nhưng em cũng không cứu được trái tim tôi.

Tôi quay lại phòng mình.

Tôi ho ra đờm, nôn ra máu.

Người nóng hầm hập như bị lửa đốt.

Tôi đấu suốt bốn ngày, không, tôi đã đấu trong hai mươi năm trời.

Tôi không còn đủ sức nữa.

Thậm chí không còn nghĩ đến việc nhìn thấy ngày mai.

Nhưng Mi không muốn tôi chết.

Trong lúc hôn mê sâu, tôi vẫn cảm giác được Mi đang ở bên cạnh mình. Em chăm sóc tôi, như những lần tôi bị thương trước đây. Khi tôi nôn thốc nôn tháo đau thắt ruột gan, khi tôi cảm thấy sống không bằng chết, tôi đều cảm giác được tay em gắt gao nắm chặt lấy tôi, phảng phất như chết cũng không chịu buông, vĩnh viễn cũng không buông.

Tôi không thể bỏ lại em một mình, cô đơn lạc lõng, trong cái thế gian này, trong cái gia đình này.

Tôi là nhị ca của em, tôi đã hứa chăm sóc cho em, từ lần đầu gặp em vào nhiều năm về trước.

Tôi còn chưa kịp thổi khúc nhạc đó cho em nghe, chúng tôi không thể chia tay không nói một lời như vậy.

Tôi phải sống, vì Mi.

Trong biển người mênh mông này, chí ít vẫn còn hai chúng tôi, ấm lạnh có nhau.

Lúc tôi tỉnh lại đã là nửa đêm, ánh nến tù mù soi lên những dòng lệ trong suốt đọng trên gương mặt tiều tụy của em.



`



Ngày đó, chúng tôi không xa nhau.

Nhưng mà bây giờ, khi tôi thổi khúc nhạc đó cho Mi nghe, chúng tôi không thể nào không chia tay.

Trời mờ sáng, tôi nhìn vào mặt em.

Ánh mắt đó, gương mặt đó, thân thiết là thế, không biết lúc nào mới gặp lại.

Tôi nhẹ nhàng xoa đầu em. “Mi à,” tôi nói, “Chăm sóc tốt bản thân. Có một ngày, anh sẽ đến đón em quay về.”

Mi cười: “Nói không chừng em sẽ thích nơi đó, không muốn về đâu.”

“Sao cũng được, miễn là em hạnh phúc!”

Đời này của tôi đã không thể nào vui vẻ được nữa.

Nếu như có thể, tôi hi vọng Mi sẽ hạnh phúc luôn cả phần của tôi.

Đội ngũ đón dâu của Trì gia chầm chậm băng qua thành thị náo nhiệt ở Tô Châu. Người người rủ nhau đến xem cảnh Giang Nam Mộ Dung và Tái Bắc Trì gia một lần nữa trở thành sui gia. Nhưng không có một ai cười vui, biểu tình trên gương mặt bọn họ rất kỳ quặc, không hề giống xem cảnh đón dâu náo nhiệt, mà giống như đang nhìn người ta gặp họa.

Mười năm trước, Mộ Dung Ninh, vị cô cô xinh đẹp nhất của tôi, cũng vượt ngàn dặm xa xôi gả đến Trì gia. Ba năm sau, Trì gia gửi thư báo cô cô bệnh nặng qua đời. Nhưng thế gian lại lan truyền lời đồn đãi, cô cô bị Trì gia bức điên, tự thiêu mình trên đỉnh Hồng Liên.

Tất nhiên là Mi đã nghe qua tin đồn này.

Em mới có mười tám tuổi, em có thể nào không sợ chứ?

Nhưng em vẫn kiên trì.

Người tôi hứa phải chăm sóc, lại vì tôi hi sinh bản thân.

Mi của tôi. Mi của tôi.

Tôi tiễn em đến trường đình.

Qua tấm rèm xe, chúng tôi kính nhau ly rượu ly biệt.

Chén rượu sóng sánh một bầu trời không mây, sầu buồn man mác. Chúng tôi một hơi uống cạn.

Mi nhanh chóng buông rèm xuống, tôi nghĩ em không muốn tôi nhìn thấy em khóc.

Tôi ôm quyền từ biệt Trì Lạc Ảnh. Lên ngựa phóng đi.

Trong suốt hai mươi năm qua, tôi đã bỏ ra quá nhiều.

Sẽ có một ngày, tôi lấy lại tất cả.

Tất cả mọi thứ, bao gồm, Mi của tôi.





------


1. Nhẫm nhiễm: lần lữa, trì hoãn | y: y phục, quần áo
2. Liên kiều: Xem giải thích và hình ở đây.



on 1 tháng 3, 2013



Chính xác là Sài Gòn dạo này nóng quá! Chiều còn đỡ, chứ ban trưa thì mở đến mấy cái quạt cũng vẫn nóng. Thèm ăn ly kem! Mình nhớ MOF. ="=

Dòm cảnh biển Quy Nhơn Tata thảy qua càng làm mình dấy thêm khát khao đi biển. Trời ạ, hãy cho con free mấy ngày con đi chơi đi!!!!!!!!!!!

Đang coi "Luyến ái quý tiết". Thích mùa hạ hí hí. Câu chuyện "tình đầu quay về tìm nhau" lúc nào cũng kích thích đến lạ lùng!


Cập nhật tình hình truyện:

+ Mi Lan Trì: Bướm đã giao mình chương 2, và mình đang beta lại. Càng ngày càng thấm một điều: dịch không khó, beta mới khó. Hic, đang lần xà quần ở trang 4 chưa bước được sang trang 5 nữa. T^T

+ NCV, THS: đang mần. Sẽ cố gắng ít nhất một chương mỗi tuần. Nhưng khi chính chủ lười thì lại khác :p



*lăn lăn* Thiên thần nào qua quảy em đi ăn kem đi *-*