on 14 tháng 6, 2020
Quách Phù


Thật ra thì Quách Phù và Quách Tĩnh thời trẻ rất giống nhau, nhìn như bao cỏ ngốc nghếch, nhưng lại là ngọc quý.

Tuy nhiên Quách Phù lại không có được vận khí và may mắn như cha mình. Quách Tĩnh có thể gặp gỡ Hoàng Dung, Hoa Tranh. Đây đều là quý nhân trong cuộc đời Quách Tĩnh, chiếu cố hắn, quan tâm hắn. Vậy còn Quách Phù? Quen biết Dương Quá, Gia Luật Tề, thậm chí là Đại Võ, Tiểu Võ, nhưng những người này lắm khi phải dựa vào nàng, cần sự giúp đỡ của nàng.

Quách Phù có một ưu điểm mà mọi người không có. Đó là lòng hiếu thảo với cha mẹ trong suốt cuộc đời. Cha mẹ ở đâu, nàng theo đó. Nàng ở gần phụng dưỡng cha mẹ, đến chết không rời, rất đáng khâm phục!

Người xưa có câu: “Trăm thiện, lấy ‘Hiếu’ làm đầu.”

Quách Phù từ năm mười lăm tuổi đã theo cha mẹ ra chiến trường, ba mươi mốt tuổi vẫn còn ở chiến trường. Kết hôn rồi vẫn không rời khỏi gia đình. Cho đến phút cuối, thành Tương Dương bị phá, cùng cha mẹ hi sinh vì nước.

Có thể nói, nếu như A Châu của “Thiên Long Bát Bộ” hiếu thuận một thoáng chốc, thì Quách Phù hiếu thuận cả đời.

Con gái như vậy là mơ ước của tất cả các bậc cha mẹ trên thế giới.

Gần đây, mọi người thường hay nói giễu: Không làm được phú nhị đại, thì hãy làm cha của phú nhị đại.

Kì thật nếu như bạn có cơ hội trở thành hiệp nhị đại, việc đầu tiên phải làm là phải quý trọng vinh quang của gia tộc cùng bản thân mình. Đem danh xưng “hiệp nhị đại” phát triển hết mức. Đó là nguyên tắc. Nhưng điều nhìn như đơn giản ấy, lại có nhiều người không làm được. Điển hình là muội muội của Quách Phù.

Khi Tương Dương bị tấn công, Quách Phù cùng cha mẹ đền nợ nước, còn Quách Tương đang nhàn nhã chu du các nước, tìm kiếm Dương Quá, thỏa chí bình sinh. So với tỷ tỷ mình, nàng kém quá xa.

Dương Khang và Du Thản Chi thì càng đừng nhắc tới.

Bất luận đối với cha mẹ, đối với em gái, đối với bằng hữu (Đại Võ, Tiểu Võ), Quách Phù luôn làm hết sức mình, tận tâm bảo vệ. Năng lực có hạn, nhưng ý chí chiến đấu thì vô hạn, hào quang vô hạn. Có dũng khí, có đảm đương.

Ống kính 1: Trong loạn thạch trận, Hoàng Dung bị thương nặng, Quách Phù liều mình đứng che giữa mẹ và Kim Luân.

“Dương Quá bị chưởng lực của lão ta làm chấn thương vùng ngực, bò dưới đất chưa dậy nổi, thấy Hoàng Dung bị nguy, bèn giơ cây gậy trúc gạt chưởng của lão ta ra, do gắng sức, chàng hộc ra một ngụm máu tươi. Hoàng Dung buồn rầu nói:

- Quá nhi, chúng ta nhận thua cho rồi, đừng liều mạng nữa, hãy tự bảo trọng.

Quách Phù chĩa kiếm bảo hộ trước mặt mẫu thân. Dương Quá nói nhỏ:

- Phù muội, mau chạy đi, báo tin cho phụ thân muội cần hơn.

Quách Phù tâm trí rối bời, biết là mình võ công thấp kém, nhưng làm sao nỡ bỏ mẫu thân mà đi? Kim Luân pháp vương dùng thiết luân đánh nhẹ vào thanh kiếm của nàng, keng một tiếng, thanh kiếm bị văng ngay về phía rừng cây.”

Ống kính 2: Kim Luân pháp vương đêm tối tập kích Tương Dương, bức hỏi Quách Phù tung tích cha mẹ, Quách Phù cắn chặt răng liều mạng chống cự.

“Kim Luân pháp vương dùng hai bánh xe ép lấy Quách Phù, bức hỏi chỗ ở của cha mẹ nàng. Quách Phù đầu tóc tán loạn, trường kiếm trong tay đã bị bánh xe đập đứt, vẫn cắn chặt răng liều mạng, đối với câu hỏi của pháp vương làm như không nghe thấy, trong lòng tức giận vô cùng: ‘Nếu Đại Võ, Tiểu Võ không đi chém giết lẫn nhau, thì bây giờ ba người chúng ta liên thủ, sợ gì tên giặc ngốc này!’ Không nhịn được thốt ra lời: ‘Được, hai người các huynh cứ tranh đi, cho dù là ai thắng, trở về chỉ thấy được đầu của ta thôi.’”

Ống kính 3: Tại bến đò Phong Lăng, sợ đại đầu quỷ làm em bị thương, che trước người Phá Lỗ và Quách Tương.

“Quách Phá Lỗ chưa kịp đáp lời, thì nghe một tiếng "binh" cực lớn, lão lùn đầu to đã đứng trước người. Quách Phù sợ lão gây thương tích cho hai em, nên nhảy lên một bước đứng chắn trước mặt Quách Tường và Quách Phá Lỗ.”

...

Ở đây, đáng chú ý nhất là: Năng lực có hạn, ý chí chiến đấu vô hạn, hào quang vô hạn. Điểm này tuyệt đối là tinh túy được di truyền từ Tĩnh Dung, cùng ngoại tổ phụ Hoàng Dược Sư hoàn toàn không giống. So với Hoàng Dược Sư năng lực rất mạnh nhưng ý chí chiến đấu không mạnh, dễ dàng buông tay, thì một đời Tĩnh Dung có thể áp vào tám chữ: “Dũng cảm đối mặt, có gan đảm đương.”

Hiển nhiên, gien tốt đẹp của cha mẹ đều được di truyền cho Quách Phù rồi!

Tác giả: Thạch Thủy Vi Lan @ Thiên Nhai
Dịch: An Khuyên

on 26 tháng 4, 2020
Chắc ít nhiều ai cũng biết về #DươngGiaTướng (#杨家将, từ giờ viết tắt là #DGT) đều biết DGT trong phim ảnh hay tiểu thuyết hay hồ quảng hay kinh kịch hay cải lương Việt Nam đều được dựng nên hình tượng “trung với nước, hiếu với dân, thề chết bảo vệ non sông, chiến tích lừng lẫy”. Cha chết thì con chống, con chết thì phụ nữ trong nhà xách giáo đao sa trường giết giặc. Có thể nói là dòng dõi gia đình nổi tiếng nhất lịch sử Trung Quốc.



🌟 Có Dương Gia Tướng trong lịch sử không?

Có. Trong chính sử Trung Quốc, tổ tông ba đời Dương gia đều có ghi chép. Theo “Tống sử”, Dương Nghiệp thuộc quân Bắc Hán, đối địch với triều Tống, có biệt danh là Dương Vô Địch. Năm 979 Công nguyên, Bắc Hán đầu hàng nước Tống, Dương Nghiệp được hoàng đế Triệu Quang Nghĩa trọng dụng, cho đóng quân ở biên quan, phòng ngự nước Liêu. Trong cuộc chiến thu phục 16 châu Yên Vân, bởi vì chỉ huy thất bại, Dương Nghiệp thua trận, tuyệt thực mà chết. Quân Tống vừa đánh vừa lui, con trai Dương Nghiệp là Dương Diên Ngọc cũng mất mạng.

🌟 Dương Lục Lang là Dương Diên Chiêu?

Sai, nhưng đúng. Dương Diên Chiêu tên thật là Dương Diên Lãng, CON TRƯỞNG của Dương Nghiệp. Diên Chiêu là tên đổi sau khi cha mất, có nghĩa là “mặt trời sáng soi”.

Về tên gọi Dương Lục Lang: Thời bấy giờ, tên Dương Diên Chiêu rất có sức ảnh hưởng đối với quân Liêu sau nhiều lần giao kích. Người ta cho rằng trong Bắc Đẩu thất tinh thì lục tinh khắc Liêu, ai cũng cho rằng Dương Diên Chiêu là lục tinh chuyển thế, nên gọi là Dương Lục Lang.

🌟 Đời thứ ba của Dương gia

Dương Văn Quảng là con một của Dương Diên Chiêu, cũng làm tướng quân. Đến thời Dương Văn Quảng, Tống Liêu nghị hoà, hơn nữa Bắc Tống đã bắt đầu xuống dốc không phanh, Dương Văn Quảng cũng không có cơ hội thực hiện lý tưởng của mình.

🌟 Không có Mộc Quế Anh, không có Dương môn nữ tướng?

Không có. Thời đó có Mộc Quế Anh tồn tại không thì không biết, nhưng Mộc Quế Anh của Dương gia thì không tồn tại.

🌟 Tại sao chính sử và tiểu thuyết - truyền hình khác xa nhau vậy?

Ba đời Dương gia sống ở Bắc Tống, nhưng Bắc Tống bị ngoại bang xâm lược, cho nên trong lòng người dân Nam Tống luôn cháy bỏng niềm khát khao chiến thắng mãnh liệt. Họ trông chờ anh hùng và vô cùng ngưỡng mộ anh hùng. Đối với chính quyền Nam Tống hèn nhục cầu hòa, người dân lại càng tỏ lòng tôn trọng và hoài niệm những tướng lĩnh xả thân vì non nước. Những câu chuyện về Dương Gia Tướng được các nghệ nhân dân gian tập hợp thành truyện truyền miệng, càng truyền càng lan rộng, và không ngừng được bổ sung thêm nhiều câu chuyện li kỳ, nhiều nhân vật chỉ có trong tưởng tượng. Điển hình như tạo ra Dương Tôn Bảo, Mộc Quế Anh; tình tiết phụ tử Dương gia liều chết cứu Tống Thái Tông; vẽ nên thần thoại về một thế hệ Dương gia anh dũng chống địch.

Có thể nói câu chuyện Dương gia tướng được người xưa mượn làm “vũ khí” tuyên truyền tư tưởng ái quốc trung quân. Từ đó sinh ra các tiểu thuyết, hí kịch “Tháp Hạo Thiên - Mạnh Lương trộm xương”, “Dương gia tướng diễn nghĩa”, “Dương gia tướng truyện”, “Dương gia tướng thông tục diễn nghĩa”, “Dương gia phủ diễn nghĩa”, “Bắc Tống chí truyện”, “Tứ Lang thăm mẹ”, “Mộc Quế Anh nắm ấn soái”.... nổi tiếng đến ngày nay.

Truyền kỳ về Dương gia tướng có thể ghi dấu đậm sâu trong lòng mọi người, không chỉ vì các tình tiết xúc động về xả thân cho dân nước, mà còn có mối tương quan mật thiết với lịch sử phát triển của các triều đại Trung Quốc. Bắc Tống bị người Kim tiêu diệt, Nam Tống bị Mông Cổ giày xéo, chính quyền người Hán khôi phục lại triều Minh lại bị nhà Thanh lật đổ, nhà Thanh lại bị các cường quốc chia cắt. Non sông Trung Nguyên bị đủ gót sắt chà đạp, người dân bức bối, họ cần anh hùng, những câu chuyện truyền miệng về Dương gia đã biến Dương gia tướng thành anh hùng trong lòng họ. Nhưng sử sách ghi chép về Dương gia quá sơ sài, không thoả mãn được lòng khát khao anh hùng của quần chúng. Thế là Dương gia tướng trong quá trình lan truyền đã không ngừng được bổ sung, phát triển thêm nhiều tình tiết: vốn chỉ có ba đời Dương gia được biên thành năm đời; vốn chỉ là đàn ông chiến đấu sa trường, lại được vẽ thêm những màu sắc Xà Thái Quân, Mộc Quế Anh, các nữ tướng Dương môn thay chồng thay cha giết địch đền ơn nước.

Đến bây giờ, đã không thể phân rõ người xưa dùng lịch sử viết nên anh hùng, hay là mượn anh hùng chuyển lời lịch sử?

——

Tổng hợp và dịch từ nhiều nguồn bởi #Ục @ Nghe Khúc Trung Hoa. Tham khảo chính từ 历史君. Vui lòng không reup lại bất kỳ đâu. Cảm ơn!