Phật dạy: Thế gian và xuất thế gian có bốn ân đức

on 15 tháng 9, 2012
Phật dạy: Thế gian và xuất thế gian có bốn ân đức


Tác giả không rõ
An Khuyên dịch
Nguồn: Kênh Phật Giáo



Sắp rằm tháng Bảy. Sắp lễ Vu Lan. Là lòng thành dâng tặng cha mẹ ♥


Photobucket



1. Phật dạy: Thế gian và xuất thế gian (1) có bốn ân đức lớn, đó là ân đức của cha mẹ, của chúng sinh, của đất nước và của Tam bảo (Phật – Pháp - Tăng). Bốn loại ân đức này, mỗi chúng sinh đều được hưởng bình đẳng.

2. Phật dạy: Ơn của mẹ, dành một kiếp (trăm ngàn vạn ức năm) cũng không đền đáp hết. Tình mẹ thương con, không gì có thể sánh bằng. Mười tháng hoài thai, không màng cực khổ, không thiết đồ đẹp cơm ngon, lòng không phút nào ngơi lo lắng, chỉ mong vượt cạn bình an sinh ra con khỏe mạnh. Gặp khi sinh khó (nữ nhân sinh hài tử, tựa như quấn trên người mảnh khăn liệm, thuận thì mẹ tròn con vuông, nghịch thì… Cho nên, ngày con ra đời được gọi là ngày ‘mẫu nan tử’ - mẹ phải vất vả lắm mới sinh ra được con), tựa như bị trăm ngàn vết đao chém xả (y học chia ‘đau’ ra làm chín cấp, nỗi đau sinh nở của người phụ nữ nằm ở cấp cuối cùng). Nếu an lành vượt cạn thành công, mọi người đều mừng vui. Bé vừa cất tiếng khóc, mười tháng khổ nhọc mang thai, mẹ đều không nhớ chút gì, giống như đang nghe một điệu nhạc tuyệt vời của hạnh phúc. Mẹ ôm con vào lòng, tình thương của mẹ như dòng suối cam lồ bất tận. Ân này đức này, núi cao đến đâu cũng thấy thấp, biển rộng dường nào cũng cạn khô. Nếu như hiếu thuận với mẹ, không làm trái ý mẹ, sẽ được trời phù hộ, ban phúc dạt dào. Có dùng hết một kiếp (trăm ngàn vạn ức năm), mỗi ngày sáng, trưa, chiều, tự cắt thịt bản thân dâng lên cha mẹ, cũng không báo đáp được hết công ơn một ngày của cha mẹ.

3. Phật dạy: Người nào giàu nhất thế gian? Người nào nghèo nhất thế gian? Chỉ biết, nhà có mẹ, được gọi là giàu. Mẹ mất rồi, nhà cùng khổ. Lúc có mẹ, ánh dương chói rạng. Mẹ đi rồi, ảm đạm hoàng hôn. Lúc có mẹ, ánh trăng ấm áp. Mẹ không còn, chỉ có đêm đen. Do đó, mọi người phải thành tâm hiếu dưỡng song thân, phúc đức này cùng với cúng dường chư Phật không có chi khác biệt.

4. Phật dạy: Người muốn hưởng phúc, phải vời một trăm vị cao tăng đại đức, một trăm vị tiên, một trăm vị bằng hữu đến một nơi bày đầy thất bảo (2), cúng dường trăm ngàn món ăn ngon, y phục đính ngọc quý, dùng trăm thứ trang nghiêm tô điểm giường nằm, lấy trăm loại thuốc chữa trị bệnh. Cứ như vậy trải qua trăm ngàn kiếp (ức ức vạn vạn năm), mới cầu được phúc đức. Còn không bằng để lòng hiếu thảo, hầu hạ cơm áo cho cha mẹ mình. Chăm sóc cha mẹ của mình, so với công đức trước đó lớn hơn trăm ngàn vạn lần.

5. Phật dạy: Bỏ công ngày đêm tích lũy trân bảo đem bố thí cho người khác, không bằng phụng dưỡng cha mẹ của mình.

6. Phổ Hiền Bồ Tát dạy: Phụng dưỡng cha mẹ, tôn kính thầy cô. Người biết tri ân, tại lúc sinh tử luân hồi, sẽ được hộ niệm; bằng như bội bạc vong ân, không được thiện trợ. Thế nên, chư Phật rất khuyến khích mọi người biết báo đền ân đức.

7. Phật dạy: Không gì thiện bằng hiếu. Không gì ác bằng bất hiếu.

8. Phật dạy: Trên đời nếu không có Phật, phải biết thờ phụng cha mẹ. Thờ phụng cha mẹ chính là thờ phụng Phật.

9. Phật dạy: Nếu như vác cha lên vai trái, cõng mẹ bên vai phải, trải qua ngàn vạn năm, chăm lo thức ăn quần áo, giường chiếu chăn đệm, thuốc men chữa bệnh, dẫu cho cha mẹ có đại tiện, tiểu tiện trên vai, vẫn chưa báo hết được ơn cha mẹ.

10. Phật dạy: Đệ tử tại gia, nếu như không biết hiếu kính cha mẹ, thầy cô, sẽ phạm vào tội “vô ý”.

11. Phật dạy: Trong lúc tu thế gian pháp (3), phải đồng thời gìn đạo hiếu với cha mẹ, thầy cô.

12. Phật dạy: Ta thuở xưa vì bốn việc mà hi sinh thân mệnh. Một là vì muốn phá phiền não của chúng sinh, hai là vì muốn chúng sinh được an lạc, ba là vì để diệt trừ căn tham của bản thân, bốn là để báo đáp ơn sâu của cha mẹ.

13. Phật dạy: Chẳng những hôm nay ta khen ngợi lòng hiếu thảo, mà trong vô lượng kiếp ta cũng thường khen ngợi như vậy.

14. Phật dạy: Người biết phụng dưỡng cha mẹ dù chỉ chút ít cũng thu được phúc vô lượng. Không thuận theo cha mẹ dù chỉ một việc cũng mắc tội vô lượng.

15. Phật dạy: Có tám trường hợp hãy thoải mái giúp đỡ: cha, mẹ, Phật, tăng ni, người từ xa tới, người sắp đi xa, người bệnh và thầy thuốc.

16. Phật dạy: Có bốn ân rất khó báo đáp: ơn cha, ơn mẹ, ơn Phật và ơn pháp sư. Cúng dường bốn vị này, sẽ thu được phúc vô lượng.

17. Phật dạy: Thay vì dâng vật ngon cúng dường hiền thánh, chi bằng hiếu thảo chăm sóc cha mẹ.

18. Phật dạy: Ta đời đời giữ tròn hiếu đạo, do đó ta phúc cao đức thịnh, trở thành Trời trong trời, đứng đầu tam giới.

19. Phật dạy: Cha mẹ là người thân thương nhất của mình, nhưng chúng sinh lại tỏ vẻ nhờn láo không tôn trọng. Ta xuất gia là để giúp đỡ chúng sinh dẹp bỏ cái tính ích kỷ ấy.

20. Phật dạy: Bồ tát đời đời cúng dường hoa quả cho Như Lai và cha mẹ. Bồ tát đời đời kính trọng cha mẹ - Cha mẹ đang ngủ, không được đánh thức cha mẹ. Nếu phải gọi cha mẹ dậy, phải nói sao cho thật dễ nghe. Có món ngon, không được khư khư giữ lấy một mình, phải đem ra mời cha mẹ dùng trước.

21. Phật dạy: Người không biết hiếu thảo với cha mẹ, không kính trọng thầy cô, không làm điều nghĩa, không học điều hay, coi thường người dưới, khi chết đi, sẽ bị đày xuống địa ngục.

22. Phật dạy: Trong vô vàn điều ác, đứng đầu là tội bất hiếu với cha mẹ.

23. Nếu như không biết hiếu kính cha mẹ, chỉ biết lo cho vợ con, cung cấp cho vợ con đủ mọi thứ, hoặc là lấy tài sản nhà cha mẹ đem hết cho vợ con. Cha mẹ khuyên bảo, lại bỏ ngoài tai, mặc vợ mình nói hỗn cha mẹ. Kẻ như vậy gọi là “phường cướp ghê nhất thế gian”.

24. Bất hiếu với cha mẹ, khinh nhờn thầy cô, sẽ bị đọa Tam ác đạo (4).

25. Muốn được tái sinh trên đất Phật Tây phương, phải hợp đủ ba điều phúc. Một là phụng dưỡng cha mẹ thầy cô, không sát sinh, làm mười điều thiện. Hai là qui y tam giới, không phạm giới luật, không phạm uy nghi (5). Thứ ba là phát tâm bồ đề (6), tin vào nhân quả, niệm kinh Đại Thừa và khuyến khích người khác làm theo.

26. Phật dạy: Đạt được món hời lớn gì, phải cúng dường cho cha mẹ, thầy cô, hòa thượng, pháp sư trước đã.

27. Bồ tát ở trong vô lượng a tăng kỳ kiếp (7) hiếu kính cha mẹ ăn uống nghỉ ngơi, mặc quần mặc áo, kể cả hiến thịt xương của mình. Cho nên thu được nhân duyên, tự tu thành Phật.

28. Phật dạy: Cha mẹ là phúc điền (8) lớn nhất trong tam giới. Chúng tăng là phúc điền bên ngoài tam giới.

29. Già Diệp (9) trưởng lão thuyết pháp: Chúng sinh gây sự với cha mẹ, làm cha mẹ phiền lòng, sẽ nhận báo ứng bệnh tật liên miên. Chúng sinh hiếu thảo hầu hạ cha mẹ, chăm sóc bệnh nhân, tương lai sẽ khỏe mạnh ít bệnh. Không biết yêu thương cha mẹ, người thêm xấu xí. Biết kính trọng cha mẹ thầy cô, hình dáng tươi xinh. Ở nơi có cha mẹ và hiền thánh, không biết hiếu kính, sức khỏe nguy nan; biết cung nghênh phụng dưỡng, thân thể cường tráng. Không biết kính cha, hiếu mẹ, xuất thân hèn kém; kính cha, hiếu mẹ, sinh vào nhà giàu. Không phụng dưỡng cha mẹ, tiền tài thiếu hụt; hết lòng chăm sóc cha mẹ, phú quý khôn lường.

30. Phật dạy: Có hai phương pháp đạt được đại công đức, gặt được thiện báo, hưởng vị cam lộ, về cõi cực lạc. Ấy là hiếu thuận cha mẹ và cúng dường Bồ tát.

31. Phật bảo Anan: Bất kể là người thường hay người xuất gia, biết từ tâm hiếu thuận chăm sóc cha mẹ, sẽ thu được công đức vô lượng. Nhớ lại quá khứ, ta từ tâm hiếu thuận chăm sóc cha mẹ, thậm chí đã quên mình để cứu nạn nguy cấp cho cha mẹ. Nhờ công đức này mà ta lên cõi Trời là Thiên đế, xuống dưới đất là Thánh vương, cho đến khi thành Phật, trở thành tôn giả trong tam giới, đều là do phúc của lòng hiếu thảo.

32. Nếu như khiến cha mẹ nổi giận, nói ra điều ác, sẽ lập tức bị đọa xuống tam ác đạo.

Mong tất cả chúng sinh đều hiếu thuận với cha mẹ, biết phụng dưỡng cha mẹ. Nguyện đem hết tất cả vận may trao cho cha mẹ. Nguyện cho các đấng sinh thành không còn khổ đau, mãi mãi khỏe mạnh như ý. A Di Đà Phật!



Chú giải:

1. Tìm hiểu thế gian và xuất thế gian ở đây.

2. Thất bảo là bảy thứ quí báu: vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xà cừ, trân châu và mã não.

3. Giai đoạn tu Thế gian Pháp là giai đoạn thân thể của người tu luyện liên tục được cái biến, thay thế bằng vật chất cao năng lượng được gom chọn từ các không gian khác. Khi tâm tính liên tục đề cao, công lực ngày càng mạnh, thân thể càng tịnh hóa, đến trạng thái cao nhất là toàn bộ kiến trúc của tế bào thân thể được lấp đầy bằng vật chất cao năng lượng, thân thể này định tại đó, không còn sự lão hóa và "chết đi" nữa, khi này đã là thân thể ngoài ngũ hành hay còn gọi là thân Ala hán. (Nguồn: vietlyso)

4. Tam ác đạo là ba con đường ác. Theo Phật giáo, Lục đạo luân hồi chia ra: 3 đường thiện và 3 đường ác. Ba đường ác gồm: Địa ngục đạo, Ngạ quỉ đạo, Súc sinh đạo.

5. Uy nghi là vẻ đẹp biểu hiện ra trong những tư thế, động tác, ngôn từ và cách tiếp xử của hành giả trong đời sống hàng ngày.

6. Tâm bồ đề: lòng từ bi, giác ngộ. Có một bài thơ rất hay về bồ đề tâm, nên đọc.

7. A tăng kỳ (Asamkya): Tên số theo bên Thiên Trúc. Dịch ra chữ Phạn là vô số. A tăng kỳ = 10 lũy thừa 47 (có 47 con số 0 sau số 1). [Theo tự điển Phật học Đòan Trung Còn]

8. Phúc điền là ruộng phúc. “Điền” có nghĩa là sinh trưởng. Như gieo mạ được thóc, cúng dường được phúc báo, nên gọi là “phúc điền”. Phúc điền có ba loại: a) Ân điền: đền ơn cha mẹ, thầy cô. b) Kính điền: qui y, cung kính Phật, Pháp, tăng. c) Bi điền: thương xót, cứu giúp chúng sinh.

9. Già Diệp (hay còn gọi là Ca diếp): Đứng đầu Thập đại đệ tử toạ dưới Phật Tổ.


0 nhận xét :

Đăng nhận xét