[CPTL] Sự thần kỳ của cổ ngữ "Tương kính như tân"

on 26 tháng 8, 2014
Dịch: Phiên Phiên
Tác giả: Zoe




Không rõ bạn có từng nghĩ đến, vì sao ở thế hệ trước hôn nhân đều do cha mẹ sắp đặt lại không hề thiếu kết cuộc tốt. Hiện tại hôn nhân được tự do lựa chọn, tự do yêu nhau, lại có nhiều kết thúc buồn, tỷ lệ ly hôn cao. Vấn đề rốt cuộc nằm ở đâu?

Căn cứ theo kinh nghiệm, lý do phần lớn các cặp vợ chồng trẻ ly hôn đều bởi vì “tính tình không hợp”. Tranh luận đôi ba câu không có kết quả, liền cho rằng “tính tình không hợp”. Theo ý người viết, dù là vợ chồng hay đang yêu nhau, nguyên nhân người ta dễ dàng buông bỏ một đoạn tình cảm thường là do phim ảnh, tiểu thuyết diễm tình và những câu chuyện mộng mơ làm hại.  

Thứ nhất chính là quan niệm “nửa kia đích thực” 

Quan niệm khiến ta tin rằng, ai cũng được ông trời sắp sẵn cho một nửa kia đích thực, chỉ cần tìm đúng người nhất định sẽ hạnh phúc. Nếu không hạnh phúc là do không thích hợp, không phải là nửa kia đích thực. Quan niệm trên lại khiến ta cứ chờ đợi để hưởng thụ hạnh phúc mà không nghĩ mình cần thiết phải cố gắng như thế nào để hai người hòa hợp. Khi hai người trình độ chênh lệch thường hay xuất hiện ý nghĩ như vậy, động lực duy trì hôn nhân rất ít, kết quả là càng cãi nhau càng thất vọng, càng thất vọng càng cãi nhau. Giống như một cái bình nứt, không ai muốn sửa thì chỉ có thể vứt đi.

Khi ta phát hiện đã tuyệt vọng với đối phương, ý nghĩ “nếu không phải dành cho mình thì buông bỏ đi, đi tìm nửa kia đích thực” sẽ xuất hiện. Khả năng hàn gắn tình cảm càng ít ỏi hơn.

Thứ hai là quan niệm “tình yêu không khoảng cách, không tồn tại bí mật”

Vô tình khiến ta hiểu nhầm thành “cái gì cũng có thể nói”, không tránh khỏi những lúc thiếu kiềm chế, đay nghiến hàng loạt khuyết điểm của đối phương khiến đối phương tổn thương, quan hệ vợ chồng sứt mẻ.  

Có thể còn nhiều quan niệm sai lầm khác, nhưng nếu xem xét khía cạnh triết học của câu thành ngữ “Tương kính như tân” có lẽ những vấn đề trên đều không khó giải quyết.

Điểm tốt của bốn chữ “Tương kính như tân”, chính là cách đối đãi giữa vợ chồng với nhau.  

Tương kính như tân, là chỉ vợ chồng kính trọng nhau, yêu thương nhau, xem nhau như khách.  

Đối với khách, sẽ không ai tiếng lớn tiếng nhỏ, sẽ xem xét lời ăn tiếng nói của bản thân, sẽ xem xét đến cảm thụ của đối phương. Không phải ông bà ta cũng từng nói “của cho không bằng cách cho” hay sao!

Hai người ở bên nhau, bước vào cuộc sống của nhau, tất cả thói quen đều phải tự điều tiết và sửa đổi. Hai người yêu nhau phải khoan dung lẫn nhau, thấu hiểu cho nhau, nhường nhịn nhau. Nếu vậy làm gì còn tồn tại những cãi vả lặt vặt?  

Có nhiều khi, bởi vì ta ở bên nhau quá lâu nên sinh ra tùy tiện trong tình cảm. Cảm giác khách sáo khi mới yêu giảm bớt, sự tôn trọng dành cho người kia không bằng dành cho người ngoài. Thời gian trôi đi đối phương rất dễ hoang mang, tự hỏi địa vị của mình trong lòng người kia. Nghi kỵ càng nhiều, tranh cãi càng nhiều. Càng cãi càng làm tổn thương nhau. Giống như làm phép trừ trong ngân hàng tình cảm, càng rút càng mất, càng mất càng nhiều, lúc cạn kiệt rất dễ dẫn đến chia ly.  

Thử làm một phép so sánh, thế hệ trước kết hôn đều do cha mẹ sắp đặt, ngân hàng tình cảm là con số không. Nhưng họ lại trân trọng tôn kính nhau, tình cảm dần dần bồi đắp, mỗi ngày cộng một ít, cuối cùng kết quả viên mãn không kém những người tự do yêu đương.

Từ đó ra rút ra kết luận, câu nói “Tương kính như tân” không bao giờ cũ. Chúng ta phải học hỏi người xưa, tương kính như tân, làm cho tình yêu ngày càng vững chắc, ngọt ngào.

1 nhận xét :

Nặc danh nói...

Cám ơn Phiên Phiên và An Khuyên, hai bạn dành thời gian dịch tiếp Mi Lan Trì nhé

Đăng nhận xét